LÀM CHỦ CĂN MẮT.

http://www.daophatngaynay.com/vn/files/images/2011/quy2/2789207_410818191.jpg
     Ngày xưa, có một ông vua và hoàng hậu lớn tuổi mới sinh được một nàng công chúa, nên hết mực cưng yêu, chiều chuộng quá đáng. Vì quá cưng yêu, chiều chuộng, nên công chúa muốn gì được nấy, rất nhỏng nhẻo, khó chịu, hay có tính giận lẫy, hờn mát.

     Một hôm, trời mưa to, nước chảy xuống hồ, tạo thành những bong bóng nước trôi nổi lềnh bềnh, ánh nắng mặt trời chiếu rọi qua bong bóng nước trông óng ánh, lấp lánh, tạo nên vẻ đẹp mờ ảo, tuyệt vời. Công chúa nhìn thấy bong bóng nước óng ánh, lấp lánh, đẹp quá, nên thích thú, mới ước ao rằng “giá mà ta có được một xâu chuỗi bằng bong bóng nước đó để đeo thì tuyệt đẹp vô cùng”.

    Suy nghĩ xong, cô giả bộ vô phòng nằm, trùm chăn từ sáng đến chiều, chẳng thiết gì đến ăn uống. Nhà vua và hoàng hậu hay tin, vô cùng lo lắng và hoang mang, không biết con gái cưng của họ hiện đang bị bệnh gì. Nhà vua vội kêu quan ngự y đến khám bệnh gấp cho cô, nhưng cô không chịu mà vẫn nằm trùm mền kín mít. Hoàng hậu biết ý con gái, nên bằng đủ mọi cách ra chiều năn nỉ, cuối cùng công chúa nói “con đâu có bệnh. Nếu ngay bây giờ có được xâu chuỗi bằng bong bóng nước đeo thì con sẽ vui tươi, hạnh phúc liền, nếu không có xâu chuỗi đó, chắc con sẽ không còn sống trên cõi đời này nữa”.

     Nhà vua nghe qua rất bàng hoàng và hoảng hốt, nếu công chúa chết đi thì nhà vua sẽ đau đớn và khổ sở vô cùng, vì nàng là đứa con cưng duy nhất. Nhà vua tức tốc ra lệnh cho tất cả bá quan văn võ tìm người xâu bong bóng nước thành chuỗi ngay tức khắc cho công chúa đeo, ai xâu được bong bóng nước sẽ được ban thưởng hậu hĩnh.

     Lệnh vua đã ban hành, không ai được trái lệnh. Chiếu chỉ vừa được ban ra, một ông già tới xin nhận lãnh trách nhiệm thiêng liêng và cao cả đó, bởi việc này là việc trọng đại, có một không hai từ trước đến nay. Vua mừng quá, liền đưa ông tới chỗ của công chúa.

     Lúc bấy giờ, cô công chúa vẫn còn nằm im thin thít, chẳng nói chẳng rằng. Nhà vua giới thiệu ông già với công chúa-con gái cưng của mình, “đây là người xâu chuỗi bong bóng nước cho con, ông có biệt tài xâu chuỗi rất đẹp, nỗi tiếng từ xưa đến nay, cha sẽ nhờ ông ấy xâu cho con một xâu chuỗi như con mong muốn, vậy con hãy ngồi dậy đi”.

     Công chúa nghe nói vậy mừng quá, liền ngồi dậy chào ông già. Ông già chậm rãi nói, “tôi là người chuyên làm nghề xâu bong bóng nước trên 60 năm, bây giờ công chúa hãy ăn uống lại bình thường đi, sáng mai tôi sẽ xâu cho công chúa một xâu chuỗi bong bóng nước tuyệt đẹp như ý muốn của cô”.

    Công chúa nghe ông già nói như vậy nên vui tươi, phấn khởi, ăn uống trở lại bình thường. Sáng hôm sau, công chúa, nhà vua, hoàng hậu và ông già xâu chuỗi, cùng tất cả thần dân thiên hạ ra trước thềm. Trên mặt hồ vẫn còn những hạt bong bóng nước nổi trôi lóng lánh. Mọi người chăm chú nhìn bong bóng nước trôi, xem ông già này có bùa phép gì mà xâu được những bong bóng nước ấy.

     Ông già bèn than thở rằng, “tôi chuyên nghề xâu bong bóng nước làm chuỗi, nhưng rất tiếc, bây giờ tôi đã già rồi, nên hai mắt bị mờ, sờ sệt, nắm bắt e thấy không được rõ ràng như xưa. Vậy phiền công chúa hãy lựa cái bong bóng nào thật đẹp vừa ý cô thì đưa tôi, tôi sẽ xâu cho”.

    Công chúa nghe ông già nói vậy mừng quá, nên hai giọt lệ lăn tròn trên má, chờ giọt nước rơi xuống, bong bóng nước nổi lên, cô ta liền đưa tay vớt, nhưng tay cô vừa chạm vào bong bóng nước thì nó bể tan ngay. Cô ta vớt từ sáng tới trưa, vớt hoài mà không được cái nào cả. Chán nản và mệt mỏi,  công chúa xoay qua nói với nhà vua, “dạ thưa cha, bây giờ con không còn thèm xâu chuỗi bong bóng nước nữa, vì con có muốn mà cũng không được”. Nhà vua gật đầu rồi nói, “này con gái cưng, cha sẽ xâu cho con một chuỗi ngọc quý, đáng giá trăm ngàn lượng vàng”.

     Qua câu chuyện ngụ ngôn trên, chúng ta có được một bài học quý giá về cuộc đời, về sự thật của hạnh phúc hay khổ đau, bắt nguồn từ đâu ra. Bong bóng nước là dụ cho hạnh phúc tạm bợ của con người ở thế gian này. Nhìn từ đàng xa, chúng ta thấy nó đẹp óng ánh, lóng lánh lắm, nhưng vừa nắm bắt được là nó tan mất, vì bản chất của nó là vô thường. Thế cho nên, người tìm hạnh phúc trong ngũ dục như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều, suốt cả cuộc đời không bao giờ được thoả mãn, trọn vẹn, vừa mới tìm được chút ít hạnh phút thì nó đã mất tiêu, cứ như thế từ ngày này qua tháng nọ mà không có ngày thôi dứt.

    Công chúa là dụ cho tất cả mọi người chúng ta. Cả cuộc đời ai cũng muốn mình được an vui, hạnh phúc, nhưng rốt cuộc ta chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Việc tìm cầu hạnh phúc mỏng manh và tạm bợ làm sao, vì bản chất của nó là vô thường. Ngoài trừ chư Phật và các vị đại Bồ tát, không ai dám tự hào rằng mình là người được hưởng hạnh phúc trọn vẹn và đầy đủ.

    Hạnh phúc là cái mà chúng ta mơ ước và mong muốn, nhưng vừa chạm tới là nó tiêu tan mất, giống như bong bóng nước, vừa đụng đến là nó bể tan. Hạnh phúc trần gian là như thế đó, cái mà chúng ta đang mơ ước, trông chờ là vô thường, biến thiên, thay đổi không thật lâu dài. 

    Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần được thỏa mãn thì ta cho là hạnh phúc. Ở đây, chúng tôi chỉ nói riêng về con mắt mà cô công chúa đang thấy. Với mắt, ta thấy tất cả mọi hình ảnh, sự vật, rồi khởi lòng tham ái, ưa thích, hoặc không được hài lòng, vừa ý thì ghét bỏ. Với tai, ta nghe tất cả mọi âm thanh lớn nhỏ, êm dịu, nhẹ nhàng hay chát chúa, khó nghe, rồi ta khởi lòng ưa thích hoặc chán nản. Với mũi, ta chạy theo mùi thơm hôi của nó do ngửi biết, mà khởi lòng ham muốn hoặc bực dọc. Với lưỡi, ta hay nếm vị, rồi khởi lòng ưa thích, thỏa mãn, hoặc khó chịu, bực bội. Thân xúc chạm lạnh nóng, đau nhức, êm ấm, khoái lạc, rồi chấp trước vào đó mà sinh ưa thích và ghét bỏ.

     Cho đến các ý tưởng không ngừng suy nghĩ, mong muốn, ưa hay ghét, làm chúng ta luôn bận bịu tính kế, bày mưu, tìm lời tranh cãi, đấu tranh hơn thua, phải quấy, tốt xấu, đúng sai, phần lớn cũng chỉ là khen mình, chê người mà thôi.

    Nói chung, mắt-tai-mũi-lưỡi-thân cộng với ý thức, làm chúng ta biết khởi tâm phân biệt ưa hay ghét, nếu hợp với sở thích thì cảm nhận hạnh phúc, ngược lại làm mình bất an, đau khổ. Tham muốn mà không được cũng khổ, được mà không đúng như ý muốn cũng khổ, nhẹ thì cảm thấy ray rức, khó chịu, nặng thì đưa đến cãi vã, tranh chấp, nói lời hằn học, khó nghe, rồi cuối cùng không làm chủ bản thân mà dẫn đến giết hại, gây ra oán giận, thù hằn không có ngày thôi dứt.

     Tất cả ta đều gọi chung là sáu tên giặc nguy hiểm, đã và đang đưa đẩy chúng ta lanh quanh, lẫn quẫn trong vòng luân hồi sinh tử của ưa thích và ghét bỏ, vì được thì ta ưa, không được thì ta ghét. Do ta mong cầu hạnh phúc quá đáng mà không biết gieo trồng phước đức, không biết gieo nhân tốt- gặt quả tốt, gieo nhân xấu- gặt quả xấu, nên chúng ta cứ như thế, vì tâm ưa ghét mà tạo ra ác nghiệp.

   Trở lại vấn đề, cô công chúa là đại diện cho mọi người, cô thấy bong bóng nước đẹp long lanh, mờ ảo, nên con mắt thấy thích thú, rồi sinh tâm muốn chiếm hữu, nhưng không biết làm sao lấy, do đó sinh ra phiền muộn, khổ đau mà giận lẫy, hờn dỗi.

    Như có ba cô gái cùng đi chợ để mua vải về may, cô Hai thì thấy vải trắng là đẹp, cô Ba thấy vải xanh là đẹp, cô Tư thấy vải tím là đẹp, cứ như thế cô nào cũng muốn chọn màu vải mình ưa thích, nên từ đó dẫn đến tranh cãi, bất đồng quan điểm với nhau mà sinh ra thù hằn, ghét bỏ.

      Đức Phật dạy rằng, mỗi người chúng ta có sáu căn, tức là sáu bộ phận cảm nhận, thấy nghe, hay biết là (mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý). Sáu căn này tiếp xúc với sáu trần, tức là sáu loại kích thích từ bên ngoài (sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp), sáu căn tiếp nhận sáu trần tạo ra ưa thích hay ghét bỏ, gọi là sáu thức.

     Ở đây, chúng tôi sẽ nêu ra những ví dụ do không làm chủ được sáu căn, nên đã gây ra những tai hại như thế nào, rồi quí Phật tử lấy đó làm một bài học đạo lý, để rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, làm hành trang trên bước đường tu học.

     Sắc là tất cả mọi hình ảnh, sự vật, những gì có hình tướng đều gọi chung là sắc, tức từ con người cho đến muôn loài vật. Đầu tiên là mắt thấy hình sắc, rồi cho là đẹp mà chạy theo, rồi bám víu vào đó, tham muốn cho bằng được. 

    Khi mắt thấy hình ảnh đẹp, chúng ta liền trầm trồ khen ngợi, rồi sanh tâm ưa thích, muốn nắm giữ về cho riêng mình. Đó gọi là dính mắc, là nhiễm ô. Như vậy, con mắt không sử dụng đúng chức năng của nó, ta tạm thời gọi là một đứa giặc. Vì mắt dính nhiễm với tất cả mọi hình ảnh, sự vật, nên nó phá hoại công đức lành của mình, do đó ta gọi nó là giặc, là kẻ cướp. Quý Phật tử tu mà thấy người đẹp, đồ vật đẹp, hoa đẹp, liền chú ý, khen ngợi, rồi bám víu vào đó, chính là bị kẻ giặc dẫn đi rồi.

     Điều kiện thứ nhất là biết mà cố phạm vì thói quen, tập khí nhiều đời. Chúng ta dẫu biết là có hại nhưng vẫn thích nhìn ngắm, ví dụ như ai cũng biết cảnh đánh nhau bạo lực, máu đổ đầu rơi là không nên xem, vậy mà khi mở ti vi ra coi, mình toàn lựa phim đánh giết nhau xem, ông bà cha mẹ bị giết chết thì con cháu trả thù, cứ như thế từ đời này qua tháng nọ, hỏi sao thế giới này cứ chiến tranh liên miên, không có ngày thôi dứt được vì niệm ân oán, thù hằn, đã nạp vào kho tàng thức của chúng ta.

    Người Phật tử chân chính biết tránh nhân xấu ác đưa vào tàng thức nhiều không tốt, nên ta không xem phim ảnh bạo lực, đồi trụy, vì ai cũng biết đó là xấu; nhưng thế gian này vẫn có nhiều người bỏ thời gian ra để coi. Đó là vì ta không biết làm chủ được căn mắt, để nó nhìn ngắm đủ thứ, cuối cùng làm cái thấy bị vẫn đục.

     Mức thứ hai là vì tâm phân biệt mà ta dính mắc, đắm nhiễm, bám chấp vào đó. Khi nhìn thấy một vật, ta cho là đẹp, sanh tâm ham thích, rồi bằng mọi giá tìm cách chiếm đoạt về cho riêng mình, bởi vậy người ta mới trộm cướp, lường gạt của người. Trong khi đó, bản chất của cái đẹp xấu vốn do sự phân biệt của con người mà sinh ra.

    Tuỳ theo thời gian mà quan niệm về xấu đẹp khác nhau. Thời xa xưa, mấy bà mấy cô cho rằng, nhuộm răng đen là đẹp. Ngày nay, mình lại cho rằng, răng trắng như ngọc trai mới là đẹp. Đối với người này là đẹp, với người kia là xấu, đẹp xấu là do sự phân biệt của mình, vậy mà ta cứ mãi chạy theo, để rồi rơi vào cái khổ thứ năm là mong muốn mà không được như ý nên khổ. Con thiêu thân cũng vậy, thấy đèn sáng là lao vô để chịu chết, vì bị nhiễm hình sắc. 

    Trong kinh Phật dạy, “này các tỳ kheo và các thiện nam, tín nữ, có nhiều người thích đi xem các đồ cổ xưa, các danh lam thắng tích, miểu ông, miểu bà, thích xem ngọc ngà châu báu và các loài vật quý hiếm, thường hay đến tham kiến thầy tà, bạn ác. Đây không phải là những chỗ để ta đến tham quan và chiêm ngưỡng, vì sự thấy này mang tính cách hạ liệt, phàm phu, làm cho cái thấy của ta bị dính nhiễm vào trần cảnh, không có lợi ích gì cho việc học hỏi, tu tập, để đạt đến an lạc, giải thoát, chỉ khi nào quý vị đến tham kiến Như Lai Thế Tôn, các vị Thánh Tăng, những vị có đầy đủ giới đức xứng đáng cho ta nương tựa, học hỏi, tu tập, để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thàn an vui, hạnh phúc. Đó là nhu cầu cần thiết, là cái thấy vô thượng, giúp cho mọi người từ địa vị phàm phu tiến lên bậc hiền Thánh mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Chúng ta hãy cố gắng học tập và duy trì cái thấy vô thượng này”.

    Đức Phật của chúng ta vì thương tưởng mọi người với tâm từ bi rộng lớn, nên Ngài đã chỉ cho ta biết cách làm chủ bản thân qua cái thấy biết hiện hữu nơi mắt. Trong thân thể của ta, hai căn mắt và tai luôn liên hệ mật thiết với nhau, ta dính mắc vào hình ảnh, âm thanh, sắc tướng hay không, là do hai căn này.

    Người Phật tử chân chính muốn đi theo con đường từ bi và trí tuệ của Như Lai Thế Tôn, trước tiên cần phải điều phục thân, tâm bằng thân-miệng-ý, khi tiếp xúc với hình ảnh, sắc tướng, sự vật bên ngoài. Nếu ta cứ để cho mắt khi thấy sắc mà cảm nhận đẹp xấu, rồi sinh tâm ưa thích hoặc ghét bỏ, thì cái thấy đó là của phàm phu tục tử, không phải cái thấy của các bậc hiền Thánh.

     Vậy mà con người bây giờ, tuy rằng có phát tâm tu học theo lời dạy của Thế Tôn, nhưng vẫn còn ham đi du lịch đó đây để ngắm cảnh, xem hoa, và đôi khi còn tham kiến thầy tà, bạn ác, cầu xin ban phước, giáng họa, cúng sao giải hạn. Nhất là đời sống con người ngày càng văn minh tiến bộ, các tiện nghi vật chất lẫy lừng, chùa to Phật lớn, các danh lam thắng cảnh đồ sộ, nguy nga với nhiều công trình kiến trúc hiện đại, làm cho con người phải dán mắt vào đó, gây ảnh hưởng đến sự học hỏi, tu tập, an lạc, giải thoát của người Phật tử, và nhất là hàng xuất gia.

    Nếu ta cứ để cái thấy của mình luôn dính mắc vào các hoàn cảnh hiện tại, thấy đẹp thì thích thú, bám víu vào đó, thấy không vừa mắt thì sinh tâm ghét bỏ, chán chường, rồi tự mình tạo ra nỗi khổ, niềm đau, chỉ vì không vừa lòng, như ý. Đi du lịch đó đây, ngắm cảnh xem hoa, càng làm cho ta thêm lãng phí thời gian và tiêu tốn tiền bạc một cách vô ích, đều quan trọng là làm cho con mắt của mình bị trói buộc vào các hình ảnh, sắc tướng mà tâm ưa thích.

   Chính vì những tai hại của nó, nên Phật luôn khuyên nhủ chúng ta phải khôn ngoan sáng suốt chọn lựa, tránh xa những cái thấy bị dính nhiễm, ràng buộc mà khó bề tu tập, nhằm chuyển hóa tự thân. Bước thứ hai là không nên tham kiến thầy tà, bạn ác để học hỏi, hay cầu xin một điều gì đó, vì sẽ làm cho ta càng ngày càng đi vào con đường mê tín, dị đoan, không làm chủ bản thân, rồi cuối cùng bị dòng đời cuốn trôi.

    Thay gì ngắm cảnh, xem hoa để thỏa mãn nhu cầu con mắt, ta hãy nhín chút thời giờ vàng ngọc, cùng chút đỉnh tiền bạc, để đem đến giúp cho trẻ mồ côi, người tàn tật, kẻ bất hạnh không người nuôi dưỡng. Họ đang đói tình thương, họ đang cần những bàn tay rộng mở, để được an ủi, sẻ chia, họ đang khao khát từng phút, từng giây để trông chờ những tấm lòng nhân ái bằng tình người trong cuộc sống.

   Phật dạy, “thế gian này từ con người cho đến muôn loài vật đều phải nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn mạng sống. Ai dù có tài giỏi đến đâu vẫn không thể sống một mình”.

    Với cái nhìn duyên khởi, ta sẽ cảm nhận được tình người trong cuộc sống bằng trái tim hiểu biết, qua tinh thần trách nhiệm, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, không giết tằm dệt vải nhưng vẫn có quần áo để mặc, và mọi thứ, mọi cái đều phải như vậy. Cái nhìn tương quan theo lời Phật dạy sẽ giúp ta biết đến đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.

    Phật giáo Việt Nam và đạo thờ ông bà tổ tiên đã thể hiện tinh thần tương thân, tương trợ bằng tình người trong cuộc sống. Ta không thể ngoãnh mặt làm ngơ để mình tự an hưởng bình yên, hạnh phúc, mà phải có trách nhiệm yêu thương, dìu dắt nhau đi đến tận cội nguồn của an lạc, giải thoát. Biết ơn và đền ơn chỉ có trong những người biết mở rộng tấm lòng nhân ái, không thấy ai là kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi, do đó sẵn sàng an ủi, sẻ chia.

   Làm chủ bản thân để hướng cuộc đời cùng vui hưởng an lạc, hạnh phúc. Bồ tát Quán Thế Âm là một trong những vị tiêu biểu cho công hạnh lợi tha không biết mệt mỏi, nhàm chán. Ngài chỉ mong mỏi một điều duy nhất là, làm sao cho tất cả chúng sinh đều được thoát khổ mà an vui, hạnh phúc trọn vẹn.

    Vì thương tưởng chúng sinh như con đẻ, nên Ngài lúc nào cũng lắng nghe tâm tư của mọi người một cách bình đẳng, để có cơ hội giúp đỡ, an ủi, sẻ chia và nâng đỡ. Bồ Tát sẵn sàng đem niềm vui, tình thương yêu chân thật chan rải khắp mọi nơi, mong chúng sinh được lợi ích ngay trong giờ phút hiện tại.

   Để sự học hỏi, tu tập đạt được mục đích tối hậu, người Phật tử chân chính hãy thường xuyên chiêm nghiệm lời Phật dạy qua sự giáo hóa của chư Tăng Ni, nhất là các bậc hiền Thánh, hay những vị tu hành có giới đức. Sự thân cận thưa hỏi như vậy qua cái thấy vô thượng giúp ta ngày thêm tiến gần đến các bậc hiền Thánh. Ta cần phải biết, mình phải thấy, tham kiến như thế nào cho đúng chánh pháp, cuối cùng để cho cái thấy được thấy biết đúng như thật. Tu như vậy, ta mới trả được công lao của thầy tổ, đàn na tín thí, cha mẹ, gia đình, người thân, và đất nước quốc gia.

    Kinh Lăng Nghiêm có đoạn: Phật ở trong đại chúng, đưa tay lên, nắm lại, xòe ra, rồi mới hỏi ngài A Nan, “nay ông thấy cái gì?”

    Ngài thưa, “con thấy bàn tay trăm báu của Như Lai xòe nắm”.

    Phật bảo A Nan, “ông thấy cái tay của ta xòe nắm, là tay ta có xòe nắm, hay là cái thấy của ta có xòe, có nắm?”

    Ngài thưa, “tay Thế Tôn xòe nắm. Con thấy tay Như Lai tự xòe nắm, chẳng phải tánh thấy của con có xòe nắm”.

    Phật hỏi tiếp, “vậy cái nào động, cái nào tịnh?”

    Ngài thưa, “tay Phật động, tánh thấy của con còn không có tịnh, huống hồ là động”.

    Phật khen, “lành thay A Nan, ông nói đúng đó”.

    Qua đoạn kinh trên, Phật dạy cho chúng tỳ kheo khi xưa là nhằm ý chỉ cho ta biết cách làm chủ bản thân qua tánh thấy nương nơi mắt. Hình ảnh, sắc tướng, mọi sự vật bên ngoài là ngoại cảnh, chúng không tự ý thức. Do con mắt chúng ta, cộng với ý thức, mà biết phân biệt ta người, đẹp xấu.

    Sắc tướng, hình ảnh dao động, nhưng cái thấy của ta thì nhất như, thấy chỉ là thấy, thấy rõ ràng một cách không lầm lẫn. Tu như vậy mới xứng đáng bậc thoát trần thượng sĩ, làm cho thân tâm sáng suốt, thanh tịnh, lặng lẽ, mà hằng chiếu soi mọi sự vật, không bị mọi vật làm ngăn ngại.

    Rồi một lúc khác, vua Ba Tư Nặc đến tham vấn yếu chỉ tu hành.

    Phật hỏi, “này đại vương, khi còn nhỏ mới khoảng ba bốn tuổi, vua thấy sông Hằng. Đến nay, vua gần sáu mươi tuổi, vậy cái thấy đó có khác hay không?”

    Vua thưa, “cái thấy sông Hằng lúc ba tuổi và cho đến bây giờ không khác”.

    Phật bảo, “ông còn nhỏ, da dẻ hồng hào, bây giờ lớn tuổi da nhăn, tóc bạc. Hiện thời, da mặt nhăn hơn lúc còn trẻ, vậy cái thấy của vua bây giờ có trẻ, có già hay không?”

   Vua thưa, “bạch Thế Tôn, cái thấy của con không có già trẻ”.

    Phật bảo, “mặt vua tuy nhăn, nhưng tánh thấy của ông chưa từng nhăn. Cái gì nhăn thì biến đổi, sinh diệt theo thời gian, nên chịu sự chi phối của vô thường mà trôi lăn trong luân hồi sinh tử.

    Thân này do nhân duyên hòa hợp lại mà thành, vì có tướng nên vô thường biến đổi. Khi còn trẻ, da dẻ chúng ta hồng hào, tươi nhuận, đến khi già lớn, tóc bạc điểm sương, da mặt nhăn, nên chúng ta thấy có già, có trẻ.

    Còn tánh thấy nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, mà không khởi tâm phân biệt. Cái thấy này khi đối diện với hình ảnh, sắc tướng, nó như thế nào thì thấy như thế đó. Người vật qua lại dao động trong cảnh ồn ào, náo nhiệt, nhưng tánh thấy chúng ta không có tịnh huống hồ là động. Nếu ta thấy biết như thế thì không bị sắc trần làm dao động, cho nên an nhiên, tự tại giải thoát. Ai sống được như vậy, tức làm chủ căn mắt một cách trọn vẹn. Một căn đã dung thông thì sáu căn cũng lại như vậy, không bị hình ảnh, sắc tướng, thơm hôi, hương vị, xúc chạm, làm ngăn ngại.

 
Previous
Next Post »