Đứa thứ sáu là ý. Ý chúng ta tiếp xúc với pháp trần, trần này hơi thầm kín một chút. Khi chúng ta nhớ lại hình ảnh người hay làm khổ mình thì sinh tâm bực bội, ghét bỏ, nhớ lại hình ảnh người ta thương yêu trìu mến thì mình cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng. Đó là đứa giặc thứ sáu làm chúng ta dính mắc vào đó.
Có một tăng sĩ tu hành ở núi nhiều năm, một hôm có việc phải đi qua đò. Sau khi sang sông, cô chủ lái đò chỉ lấy mỗi người một đồng, riêng vị Tăng sĩ này cô ta lấy tới hai đồng. Vị đó mới thắc mắc tại sao cô lấy tiền tôi cao hơn mọi người, cô ta vừa nói, vừa cười, “tại vì thầy nhìn tôi chăm chăm, nên mới phải trả thêm một đồng”.
Lúc về, vị thầy không thèm nhìn cô lái đò nữa mà cứ chăm chăm ngó xuống; nhưng lần này lại khác hơn, cô lái đò lấy bốn đồng, gấp đôi số tiền trước. Lần này, vị Tăng sĩ bực bội hơn, nên lớn tiếng nói, “cô tính trấn lột thầy tu sao?” Cô lái đò bình tĩnh đáp, “tuy lần này thầy không nhìn trực tiếp tôi, nhưng thầy nhớ nghĩ trong tâm hình bóng của tôi, nên phải trả gấp bốn lần là vậy đó”.
Trong kinh Tạp A Hàm, Phật đưa ra một ví dụ để nói về ý căn này: có một tử tù do phạm tội giết người nên bị án tử hình, vì nhà vua là một Phật tử thuần thành, nên có chính sách khoan hồng, hứa sẽ tha cho anh với một điều kiện duy nhất là anh phải bưng đĩa dầu đầy, đi khoảng đoạn đường dài ba cây số, mà không để rơi một giọt dầu nào, thì sẽ được miễn tội chết, nếu bất cẩn để dĩa dầu chao, dầu đổ chỉ một giọt thôi, thì tên đao phủ đi phía sau sẽ chém đầu anh liền.
Kẻ tội nhân được tha với điều kiện đó, trong lòng vui tươi hẳn lên, nghĩ rằng mình có cơ hội thoát chết. Trên khoảng đường dài ba cây số đó, hai bên lề chỗ nào cũng có quán rượu, gái đẹp, cờ bạc, hút xách, đủ thứ trò ăn chơi hấp dẫn. Anh tử tội chăm chăm bưng đĩa dầu đi, không dám nhìn qua liếc lại, vì biết mạng sống của mình còn hay không là quyết định trong giờ phút này. Nếu để một giọt dầu tràn ra là bị tên đao phủ phía sau chém liền. Với tâm trạng mong cầu được sống rất mạnh mẽ trong lòng anh, kẻ tử tội đi hết con đường nhờ sự chú tâm cao độ vào đĩa dầu, nên dầu không bị đổ, và anh thoát tội chết.
Qua câu chuyện ngụ ngôn trên, Phật dụ anh tử tội là chỉ cho mỗi người chúng ta, bởi ai rồi cũng phải chết, nếu không chết trẻ thì cũng chết già, trước sau gì cũng chết. Gái đẹp, quán rượu, những trò ăn chơi hấp dẫn chỉ cho tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc ấm, ngủ nhiều mà ai cũng ưa thích. Đĩa dầu đầy, Phật dụ cho pháp tu. Người tu Tịnh độ nhiếp tâm vào câu niệm Phật, ví như đĩa dầu, không bao giờ dám lơ là, quên lãng. Người tu thiền an trụ tâm vào hơi thở, quán Tứ Niệm Xứ và buông xả các vọng niệm, không bao giờ dám lơi lỏng.
Tên đao phủ đi sau lưng người tử tội, dụ cho con quỉ vô thường đang chực sẵn, cướp lấy mạng sống con người. Người tu biết rõ mọi thú vui trên cõi đời tuy hấp dẫn nhưng tạm bợ, mong manh, và sẽ làm hư hại con người, làm con người hao mòn sức khỏe, sinh bịnh hoạn, và dẫn ta càng ngày vào chỗ tối tăm, mờ mịt.
Người thấy hình ảnh sự vật mà không bị sắc làm dính mắc, đắm nhiễm ,tuy mắt thấy sự vật mà tâm vẫn an trú trong chánh niệm tỉnh giác, nên không bị thích thú hay ưa ghét làm chướng ngại, do đó bình tĩnh, thản nhiên, tự tại, giải thoát. Phật và Bồ Tát cứu khổ chúng sanh là làm sao cho chúng sanh dứt được mầm sanh-già- bệnh-chết, tức vô minh, phiền não. Đó là cái khổ lớn cần phải dứt trừ.
Còn nghèo đói, thiếu thốn vật chất, chỉ là cái khổ nhỏ, chỉ cần ta biết gieo trồng phước đức, an ủi, giúp đỡ, sẻ chia mỗi khi có điều kiện. Phật nói, “nghèo đói chưa thật là khổ, trâu bò mang ách kéo cày chưa thật là khổ, bị thiêu đốt trong địa ngục cũng chưa thật là khổ, chỉ có người si mê, không biết lối đi mới thật là khổ. Vì còn mê lầm thì tạo nghiệp khổ dài dài không có ngày thôi dứt”.
Chủ yếu của đạo Phật là giúp mọi người thoát khỏi luân hồi sanh tử. Đức Phật trước kia cũng ở trong cảnh giàu sang, quyền quí, vật chất quá đầy đủ, tại sao Ngài lại ưu tư, khắc khoải, rồi từ bỏ tất cả để vượt thành, xuất gia? Vì Ngài thấy rõ ngôi vua, quyền thế, của cải, chỉ là tạm bợ, mỏng manh, không thực chất lâu dài. Phật giác ngộ rồi, Ngài chỉ dạy lại để chúng ta tu, và được giải thoát như Ngài.
Người Phật tử chân chính vì còn có gia đình, người thân, nên cần phải vừa tu, vừa làm việc từ thiện xã hội, như bố thí, giúp người, cứu vật.
Cái thân hình mà mình lúc nào cũng lo lắng để nó được sung sướng, đầy đủ, lại là rừng tội lỗi. Phật dạy, “chúng ta phải luôn luôn thấy rõ như thế, để chuyển ba nghiệp thân-khẩu-ý cho thanh tịnh, để giải thoát được luân hồi sanh tử; thấy biết đúng như vậy là người giác, thấy ngược lại là người mê”.
Trong kinh Bách Dụ có kể một câu chuyện như sau:
Thuở xưa, có một ngôi nhà cũ bị bỏ hoang đã lâu, thiên hạ đồn có quỉ dữ trong ấy, mọi người ai cũng kinh sợ, không ai dám vào ngủ. Bấy giờ, có một người tự cho mình là can đảm, bèn tuyên bố, “tôi không sợ gì cả, chiều nay tôi sẽ vào nhà đó.”
Quả thật chiều đến, người ấy vào nhà đó ngủ; đồng thời có một người khác cũng tự cho mình can đảm hơn người, và cũng xung phong vào nhà đó ngủ. Người này đến nơi, xô cửa để vào; người đến trước tưởng là quỉ đến xô cửa, bèn rinh tấm phên ngăn ngang cửa, không cho vào; người phía ngoài tưởng bên trong có quỉ, ráng sức xô cánh cửa cho bật ngã để vào đánh quỉ. Sau đó, người ấy xô ngã tấm phên sấn vào, hai người đánh nhau dữ dội cho tới sáng. Sáng ra, hai người thấy nhau rõ ràng, mới vỡ lẽ con quỉ mà mình đánh suốt đêm nay là người chớ không phải quỉ. Cuộc đánh đấm liền dừng ngang đây.
Phật dụ sự lầm mê, chấp trước của con người là trời tối. Vì tối tăm, mê mờ, không thấy đúng lẽ thật, cái giả lầm tưởng là thật, cái thật lại không khéo nhận ra, do đó mà bị nhọc nhằn, khổ sở. Khi đã tỉnh giác, trí tuệ đầy đủ, thấy đúng lẽ thật, không còn lầm lạc, mê tối nữa, thì sẽ hết nhọc nhằn, khổ sở.
Phật dạy trong Kinh A-hàm, “mỗi người tu chúng ta phải thắp ngọn đuốc trí tuệ của mình lên, và mồi ngọn đuốc này với chánh pháp của Phật. Tức là chúng ta nương tựa vào trí tuệ của Phật qua kinh, luật, luận. Chúng ta luôn ghi nhớ, huân tập mãi, thì trí tuệ sẽ sáng rỡ như Phật và Bồ Tát.
Từ trước, chúng ta mê lầm, không nghe, không thấy, không biết. Giờ đây, ta nghe Phật dạy, phải luôn ghi nhớ, huân tập mãi cho thấm nhuần, thì sẽ sáng suốt, không còn lầm chấp đau khổ nữa. Như vậy, quí Phật tử thấy việc tu học đâu có gì khó khăn, chỉ cần phải hiểu cho đúng, rồi thực hành từ từ, đến khi thuần thục thì hoàn toàn giác ngộ, nên nói Phật pháp quí báu là vậy.
Một hôm Tôn giả Phú Lâu Na đến đức Phật đảnh lễ, quì thưa, “bạch Thế Tôn, con muốn đến một chỗ vắng vẻ để tu, xin Thế Tôn dạy cho con phương pháp tu đơn giản, dễ nhớ, để con đến đó tu hành, mau được thành tựu viên mãn”.
Phật dạy, “mắt thấy sắc không nhiễm trước, không dính mắc, là gần với Niết Bàn, tai nghe tiếng không nhiễm trước, không dính mắc, là gần với Niết Bàn, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, không nhiễm trước, không dính mắc, là gần với Niết Bàn. Ngược lại, nếu nhiễm trước, nếu dính mắc, là xa với Niết Bàn. Đó là yếu chỉ”.
Sau khi Phật dạy sáu căn không dính với sáu trần là gần Niết Bàn, còn sáu căn dính với sáu trần là xa Niết Bàn. Phật hỏi tiếp, “ông đi đến chỗ nào?”
“Bạch Thế Tôn, con qua nước phương Tây”.
“Dân xứ đó hung dữ lắm, ông tới đó nếu họ mắng chửi, nhục mạ, thì ông sẽ thế nào?”
“Bạch Thế Tôn, nếu người ta chửi mắng, nhục mạ con, con nghĩ dân xứ này còn lương thiện, vì họ mới chửi mắng, nhục mạ, chớ chưa dùng tay đánh, gậy đánh, chưa dùng đá ném con”.
“Giả sử họ dùng tay đánh, dùng đá ném ông, thì ông sẽ nghĩ thế nào?”
“Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng tay đánh, họ dùng đá ném, con nghĩ dân xứ này vẫn còn lương thiện, vì mới dùng tay đánh, dùng đá ném, chưa dùng gậy đánh, chưa dùng dao chém con”.
“Giả sử họ dùng gậy đánh, dùng dao chém, thì ông sẽ nghĩ như thế nào?”
“Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng gậy đánh, dùng dao chém, thì con nghĩ họ còn lương thiện, vì họ chưa giết con chết”.
“Nếu họ giết ông chết, thì ông sẽ ra sao?”
“Bạch Thế Tôn, nếu họ giết con, con nghĩ dân xứ này quá tốt, vì đệ tử của Phật khi thấy thân này ô uế, bất tịnh, thì chán ngán nó, phải tìm người giúp cho nó chết, còn con không mượn mà họ lại giúp dùm con xả bỏ thân xác ô uế, bất tịnh này”.
“Lành thay! Ông có đầy đủ khả năng và biết cách nhiếp phục để tâm được an tịnh, thì ông đến xứ ấy được”.
Tôn giả Phú Lâu Na qua xứ ấy, chỉ tu trong ba tháng an cư thì chứng quả A La Hán, và độ được 500 người xuất gia.
Tôn giả Phú Lâu Na thực hiện đúng như lời Phật dạy, là sáu căn không dính mắc sáu trần làm pháp tu trực chỉ, cộng thêm thái độ không giận hờn, không oán thù, vì thấy ai cũng là người thân của mình. Dù bất cứ mọi tình huống nào, trước mọi đối xử tệ hại của dân xứ đó thế nào, Ngài chỉ thấy họ đáng thương, nên chứng quả giác ngộ, giải thoát.
Chúng ta bây giờ nếu có người tới kiếm chuyện gây lộn, rồi mắng chửi, hay đánh đập, chúng ta có thể bình tĩnh, sáng suốt, nhịn họ được hay không? Thêm một điều nữa, lâu nay Phật tử chúng ta cứ nghĩ rằng, mình có cái gì buồn, cái gì giận, khi giận nói tôi giận người đó quá, khi buồn nói tôi buồn người đó quá, như vậy quí vị cho rằng cái giận, cái buồn là tôi, là mình. Nếu giận là mình thì khi hết giận mình mất luôn phải không? Nếu hết giận chúng ta vẫn còn nguyên thì làm sao nói giận là mình được. Như vậy, giận không phải thật mình, buồn không phải thật mình. Đó chỉ là một phần nhỏ trong tâm mình thôi; nó sanh rồi nó diệt, mà chúng ta lại đồng hóa nó với mình.
Từ cái mê lầm này, nên ta phải chịu khổ, cứ nghĩ mình thế này, mình thế kia. Sự thật, giận không phải là mình, đó chỉ là phản ứng của tâm sân mà thôi, còn cái ta chân thật lúc nào cũng trùm khắp, không phải cái sân đó đâu. Nếu nói sân là mình thì phải bảo vệ cái sân, nên khi giận ai, dù có người khuyên, “huynh tu hành rồi mà giận làm chi”, thì cũng bảo vệ cái giận của mình, “tại vì người đó làm dễ giận quá, nên tôi mới giận”. Bởi nghĩ thế nên cho cái giận của mình có lý, chấp và giữ cái giận của mình là đúng; buồn, thương, hờn, ghét cũng lại như thế.
Chúng ta suy nghĩ xem, nếu giận là mình thì buồn không phải mình, thương không phải mình, ghét không phải mình; nhưng buồn, thương, giận, ghét, cái nào chúng ta cũng cho là mình cả. Như vậy, có mấy chục cái mình, đó là điều sai lầm. Nên biết buồn, thương, giận, ghét là những tâm sở tạm thời dấy động rồi mất, biết rõ như vậy mới có thể hàng phục nó, và có thể thắng nó được. Còn ta cho rằng nó là mình thì thôi hết hàng phục rồi, vì nó chính là mình thì hàng phục cái gì nữa. Đó là nói về nội tâm.
Tuy ta có nhịn họ nhưng trong tâm vẫn nghĩ đây là kẻ ác hại người. Nhịn mà vẫn thấy đó là người ác, không phải là người lương thiện, có nghĩa là ta chỉ đè nén cho qua cơn giận thôi, chứ không phải mình thật sự buông xả.
Với tôn giả Phú Lâu Na thì khác, ngài thấy tất cả mọi người đều là lương thiện, vì mới chửi mắng chứ chưa đánh đập; dù bị đánh đập ngài cũng thấy là lương thiện, vì họ chưa giết chết mình; khi họ giết ngài thì ngài cũng nghĩ họ lương thiện, vì giúp ngài sớm bỏ xác thân ô uến bất tịnh này.
Chúng ta thấy rõ ràng chưa, người tu hành chân chính lúc nào cũng nhìn đời với con mắt duyên khởi, vô thường, vô ngã, nên đâu có buồn thương, giận ghét ai; dù bị hại tới chết, ngài vẫn không oán giận, thù hằn. Còn chúng ta nếu lỡ bị người ức hiếp, tuy mình không đánh trả lại, không nói ra lời, nhưng trong tâm vẫn còn cảm thấy buồn phiền, giận dỗi, lúc nào cũng ấm ức bên trong, nên tu hoài mà không đắc đạo là vậy đó.
Thế cho nên, người tu hành chân chính cốt yếu là phải hiểu giáo lý đúng với tinh thần Phật dạy, là sáu căn không dính với sáu trần, đó là gốc của sự tu hành dẫn đến an lạc, giải thoát.
Tôn giả Phú Lâu Na vâng lời Phật dạy đi đến xứ đó để tu cuối cùng chứng quả A La Hán, và độ được 500 người xuất gia.
Phật dạy tu rất đơn giản và thiết thực, ngay nơi mắt thấy sắc không nhiễm trước, dính mắc, thì an nhiên, tự tại, giải thoát. Mắt chúng ta thấy hình ảnh, sắc tướng giả tạm, nhưng mình cho là đẹp, xấu, khen chê đủ thứ, thấy như vậy là xa với Niết Bàn.
Như có ba cô cùng đi ra chợ mua vải về may, khi chọn vải để mua, kẻ thì chọn màu trắng, ngưòi thì chọn màu xanh, kẻ thì chọn màu vàng, mỗi người tùy theo sở thích của mình mà chọn mỗi màu khác nhau. Cô chọn màu trắng cho rằng màu trắng đẹp, trong sạch, quý phái; cô chọn màu xanh cho rằng màu xanh đẹp, nhẹ nhàng; cô chọn màu vàng cho rằng màu vàng sáng đẹp. Mỗi cô có mỗi cách hiểu và sở thích khác nhau. Vậy thực tế màu nào đẹp nhất? Màu nào cũng đẹp cả. Nếu mỗi cô đều chấp màu mình thích là đẹp nhất, thì có phải sẽ tranh cãi với nhau không? Nếu ai cũng khư khư cho rằng cái thấy của mình là đúng, rồi từ đó cứ chấp chặt vào đấy mà sinh cãi vả, cự nự, phiền trách lẫn nhau.
Như vậy, nếu ta thấy màu vải của mình là đẹp rồi chấp chặt vào đó mà sanh nhiễm trước, dính mắc, rồi bảo vệ cái thấy của mình, thì nếu có ai nói khác đi với sự nhận thấy ấy thì cãi vả, chống đối kịch liệt mà chẳng ai chịu nhường cho ai, ai cũng dành phần mình là đúng. Từ bám víu, chấp trước, sinh ra oán giận, thù hằn, rồi từ đó ôm ấp nỗi khổ, niềm đau mà sinh ra đủ thứ phiền não, đã khởi phiền não sân hận thì làm sao tự tại, giải thoát?
Cái nghe cũng vậy, nhiều người cùng nghe một bài nhạc, nhưng người khen kẻ chê, người thì nói bài này dở quá, kẻ thì cho rằng bài kia hay. Chúng ta cùng tu theo lời Phật dạy, người thì nói “pháp tôi đang tu cao, pháp chị tu thấp”, cùng lời Phật dạy mà ta khen chê đủ thứ. Pháp Phật không có cao thấp, chỉ tùy bệnh cho thuốc tùy theo căn cơ, trình độ hiểu biết mà Phật chỉ dạy cho phù hợp để được lợi ích thiết thực.
Nếu ta cứ một bề cố chấp, cho rằng cái nghe của mình là đúng, rồi chấp chặt vào cái nghe của mình, mới dẫn đến cãi lộn và buồn phiền, giận hờn nhau.
Người học đạo chân chính khi nghe mà chưa thông suốt, thì phải thưa hỏi, tìm cầu nghĩa lý, sau đó nghiền ngẫm, quán chiếu, tư duy. Nhờ vậy, ta không cố chấp vào cái nghe của mình mà biết buông xả, do đó được an lạc, giải thoát.
Thông thường hương thơm thì mũi ai cũng thích muốn ngửi, gặp mùi hôi thì mũi mình cảm thấy khó chịu, rồi sinh ra càm ràm; cũng là cái ngửi của mũi, nhưng có người này khen thơm, kẻ khác lại chê hôi.
Chẳng hạn như người từng ăn sầu riêng thì khen sầu riêng thơm ngon, còn người không quen ăn sầu riêng thì chê sầu riêng hôi. Vậy thơm hay hôi là do sở thích của mỗi người, mùi sầu riêng bản chất của nó là như vậy, mà người thì khen thơm, kẻ lại chê hôi.
Như tôi khi còn nhỏ khoảng chín mười tuổi, thấy ai đạp máy, chạy xe Honda, tôi liền nằm sát đất để hít khói xe, vì tôi cho đó là thơm. Người khác nghe khói xăng thì chê là hôi. Cũng vậy, thơm hay hôi tùy theo sở thích sai biệt của mỗi nguời, nó không cố định một chiều. Nếu ta cứ một bề chấp chặt vào đó mà sinh ra tranh cãi thì sân-si, oán giận, thù hằn dấy khởi, bao nhiêu thứ phiền não, khổ đau cứ thế mà chất chồng, làm sao an vui, hạnh phúc được ?
Thứ nữa là lưỡi, lưỡi nếm vị, cùng ăn một món mà người khen ngon, kẻ chê dở. Nếu người quen ăn lạt thì khi ăn món gì hơi mặn sẽ thấy khó chịu, chê dở liền; kẻ quen ăn mặn thì lại khen ngon. Tại sao cũng là món ăn đó mà người chê dở, kẻ khen ngon là sao? Đó là thói quen nếm vị của mỗi người có khác. Có nhiều người bị bệnh gan, hễ món nào có dầu mỡ nhiều thì họ khen ngon, và cố tình ăn nhiều, nên tốn tiền mà mau chết là vậy đó.
Chẳng hạn như mẹ chúng tôi quen ăn mặn, cha tôi thích ăn lạt, mỗi khi nấu đồ ăn mẹ tôi phải chia ra làm hai phần, nhờ vậy bữa ăn trong gia đình được êm thấm, chỉ mỗi người biết nhịn một chút là yên vui ngay.
Chúng ta thấy khẩu vị của mỗi người không ai giống ai, nên nếu mình cứ chấp chặt vào đó, sẽ sinh ra tranh cãi, mà tranh cãi thì giận hờn, phiền não, khổ đau bắt đầu có mặt, nên xa Niết Bàn.
Bây giờ đến thân xúc chạm. Thân xúc chạm mỗi người cũng không giống nhau. Bản thân tôi trong nhiều năm qua, do thân thể bệnh hoạn, mất đi năng lực đề kháng, nên tôi cảm thấy trong người lúc nào cũng mệt mỏi, lạnh lẽo và khổ sở vô cùng. Ở Thiền Viện gần 20 năm mà tôi chẳng dám xài quạt máy, chẳng dám đụng nước, nắng không ưa mát không chịu vậy mà vẫn bệnh hoài không hết.
Quý thầy khác sức khỏe bình thường, nên trời nóng nực quá phải dùng quạt máy hoặc đi tắm, còn tôi có khi không tắm cả tuần lễ. Việc của tôi đang làm là chụm lò bằng trấu, dơ, bụi, nóng, mà tôi vẫn trùm khăn mền bít kín.
Đây không phải là sở thích của tôi mà do nghiệp báo xấu chiêu cảm, muốn sống bình thường như quý thầy mà không được. Có thời gian tôi bệnh nặng quá, huyết áp lên thường xuyên từ 21/11 đến 22/11, hoặc 22/12, người thì lạnh tanh như xác chết vậy đó, mệt mỏi, oằn oại, mất trí nhớ, khổ đau tột cùng.
Lúc này, tôi nghĩ rằng mình sẽ chết hay bị đột quỵ, nên tôi buông xuôi, tìm sự khuây khỏa tâm hồn cho qua ngày tháng. Tôi đi các quán uống cà phê, nhìn người đánh cờ tướng để giải stress cho qua ngày tháng, có lúc đi cạo gió, giác hơi cho đỡ mệt mỏi, vì mình mẩy đau nhức rã rời gần như không chịu nổi.
Nhưng do phước tôi còn, các bác sĩ khám bệnh đều lắc đầu vì chưa từng thấy người nào bị huyết áp cao như tôi, vậy mà vẫn còn sống và làm việc bình thường.
Tuy thân thể đau đớn, oằn oại như vậy, nhưng tôi vẫn hướng tâm cao độ vào những người bất hạnh, đang đói tình thương, đang cần các bàn tay rộng mở, và tôi đã làm công việc này trong nhiều năm qua. Cho đến bây giờ, tôi vẫn là người nấu cơm để phục vụ đại chúng trong Thiền Viện.
Thân thể và nghiệp báo của mỗi người có khác, nên khi thân xúc chạm cũng không giống nhau, người thì thích êm ái, nhẹ nhàng, kẻ thì thích trơn, láng. Vậy xúc chạm cũng không đúng sự thật, còn tùy theo cảm xúc của mỗi người, nhưng đa số đều thích cảm giác khoái lạc, nên nam nữ lớn lên rồi yêu nhau cũng vì cảm xúc khoái lạc đó.
Người tu hành chân chính thường xuyên quán sát thân này vô thường, bại hoại, nên già-bệnh-chết mà cố gắng tu hành, không chấp trước, do đó mà gần với Niết Bàn.
Như vậy, mắt-tai-mũi-lưỡi-thân chúng ta xúc chạm với sắc-thinh-hương-vị-xúc, mỗi người đều cho cái thấy của mình là đúng, rồi chấp chặt vào đó, sinh ra tranh cãi, gây biết bao thứ phiền não cho nhau, nên không được an lạc, hạnh phúc.
Nếu ta không chấp chặt, không cho cái thấy biết của mình là đúng, không cho cái thấy biết của nguời khác là sai, thì làm sao dấy khởi tham-sân-si mà sinh phiền muộn, khổ đau. Không phiền não thì gần với Niết Bàn.
Vậy chúng ta muốn tự tại, giải thoát, thì sáu căn tiếp xúc với sáu trần không dính nhiễm là gần với Niết Bàn, tu như vậy mới thật thích vì trong lòng được an nhiên.
Trong kinh Tương Ưng Bộ, Phật lại dùng một thí dụ khác là biển, Ngài dạy, “bậc Thánh thấy mắt là biển, sắc trần là sóng, tai là biển, thanh trần là sóng, mũi là biển, hương trần là sóng, sáu căn là biển, sáu trần là sóng. Nếu ai kham nhẫn nổi những đợt sóng vùi dập của sáu trần là sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, thì người ấy ắt qua được biển lớn, là sang được tới bờ bên kia, tức giải thoát sanh tử."
Chúng ta thấy, chìa khoá mở cửa cho người tu học Phật giải thoát ngay tại nơi thân này. Khi ta tiếp xúc với sáu trần mà không bị chao đảo, thì con thuyền trí tuệ của chúng ta đủ sức vững vàng để hướng thẳng tới bờ giải thoát.
Tuy nhiên, nói nghe thì dễ nhưng ta hành trì suốt cả đời cũng chưa xong. Dù sao, ta hiểu đúng, hành đúng, thì con đường giải thoát ở ngay nơi bên mình, bằng cách thấy tất cả các pháp do duyên khởi, nên không thật có, từ đó ta không chấp chặt vào một đối tượng nào thì an nhiên, tự tại, giải thoát.
Có nhiều vị tu rất đáng thương. Nghe nói ăn chay là người tu hành chân chính nên bắt đầu ăn chay, nhưng không đủ phương tiện, thành ra xanh xao, ốm yếu, gầy gò, trông rất tội nghiệp; lại nghe người ta quở “ăn chay ốm quá”, từ đó sanh buồn, nhưng không dám bỏ ăn chay, sợ mất công đức tu hành của mình.
Do ức chế như vậy lâu ngày, nên ai nói động tới liền tức giận, ai chọc tới liền phiền muộn, khổ đau, cứ buồn thương, giận ghét hoài, thì ăn chay có lợi ích gì? Đó chỉ là giỏi ăn chay thôi chớ không giỏi tu hành chuyển hóa. Tu là đừng dính nhiễm, chấp trước, khi nghe ai khen chúng ta chớ vội mừng, khi nghe ai chê chúng ta chớ vội buồn, thấy đẹp đừng ưa thích, thấy xấu đừng ghét bỏ.
Tất cả sáu căn không dính nhiễm sáu trần, đó là ta biết cách tu theo lời phật dạy. Nhiều người vì việc ăn chay của mình nên khi đến nhà ai, cầm đôi đũa ngửi hơi tanh liền buông đũa xuống, lắc đầu, không thèm ăn. Đó là ta còn dính nhiễm và chấp mắc hơn thiên hạ nữa.
Tăng Ni Phật tử chúng ta được phước duyên lớn, nên ngày nay biết thức tỉnh để tu hành, bỏ hết mọi sự trói buộc của thế gian mà cầu giác ngộ, giải thoát. Vì vậy, chúng ta cần phải nắm cho vững, hiểu cho thấu đáo lời Phật, lời Tổ, để mình biết cách ứng dụng vào đời tu, như vậy mới không uổng công, vô ích.
Tóm lại, chúng ta tu hành trước là muốn cầu giác ngộ, giải thoát, sau là cứu độ tất cả chúng sinh, vậy ta phải khôn ngoan, sáng suốt, đừng để sáu căn dính mắc với sáu trần thì Niết Bàn kế bên.
Chúng tôi mong rằng, người Phật tử chân chính hãy ý thức việc tu hành của mình, đừng để cho lui sụt, đặng sau này giúp người, cứu vật. Đó là ta biết lợi mình, lợi người, hay tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Có như thế, ta mới xứng đáng dự vào hàng bậc hiền Thánh của Như Lai.
Người tu muốn được Niết Bàn giải thoát thì đối với sắc-thanh-hương-vị-xúc phải xa lìa, chớ có đuổi theo, chớ có nhiễm trước, dính mắc. Ngược lại, đối với năm trần mà đuổi bắt, chấp trước, thì khó mà đến Niết Bàn; Niết Bàn càng ngày càng xa.
Sau khi Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài có cái thấy thông suốt mọi hiện tượng, sự vật, nên nhìn xuống đầm sen, thấy có những hoa đang trổ ra, tỏa hương thơm ngát, có hoa đang còn búp, có hoa mới ngoi lên khỏi mặt nước, có cái còn là ngó sen ở dưới bùn…, nhưng Phật kết luận rằng, tất cả những hoa sen đó rồi cũng sẽ trổ hoa thơm, đẹp như nhau.
Chúng ta thấy, đức Phật nhìn đời hết sức lạc quan, không có tâm niệm thương yêu hay ghét bỏ. Dầu là những ngó sen còn nằm dưới bùn hôi, nhưng Ngài cũng thấy nó sẽ trồi lên mặt nước, sẽ trổ hoa đẹp và cung cấp hương thơm cho cuộc đời.
Cũng vậy, ai có cái nhìn duyên khởi sẽ thấy tất cả chúng sinh đều là một đóa hoa sen đẹp và thơm ngát. Người mới phát tâm tu ví như hoa sen vừa ra khỏi bùn, người chưa phát tâm tu ví như hoa sen còn ở dưới bùn.
Ai đã tu hành tiến bộ kha khá ví như hoa sen vừa trồi lên khỏi mặt nước, người đang tu hành nửa chừng ví như hoa sen còn nằm trong nuớc. Những ai cố gắng tu, tất cả đều sẽ thành Phật trong tương lai; do thấy như vậy nên đức Phật đem hết khả năng ra giáo hóa cho tất cả mọi người, tùy theo căn cơ mà giúp đỡ. Ngài đã giáo hóa, mở rộng lòng từ bi thương xót đối với nhân loại rồi, còn dặn dò bốn chúng đệ tử sau này phải tích cực truyền bá rộng rãi, để ngọn đèn chánh pháp được soi sáng mãi ở thế gian.
Một số người vì thấy thế gian này quá bất hạnh, đau khổ, người xấu nhiều quá, nên có tâm trạng bi quan, chán chường, và phát nguyện tu mau về cõi Cực Lạc, làm cư dân Phật A Di Đà, chớ không thèm ở lại cõi Ta Bà này nữa.
Vì họ quan niệm rằng, Ta Bà khổ; nhưng họ không biết rằng, cõi Cực Lạc không khổ, không vui, có nghĩa là đồng với Niết Bàn. Nhân chưa đầy đủ thì làm sao cho ra kết quả trọn vẹn được. Người Phật tử chân chính phải nên chín chắn suy nghĩ kỹ chỗ này kẻo hiểu lầm lời Phật dạy.
Trong kinh A Di Đà, Phật nói rõ ràng, ai tu nhất tâm bất loạn từ một ngày cho đến bảy ngày, thì Phật sẽ rước. Đạo Phật là đạo của nhân quả trên nền tảng tương xứng, bình đẳng, chúng ta không thể lấy một chút phước nhỏ mà đòi quả lớn thì e rằng không được.
Phật dạy người có nhiều đức tính tốt thường xuyên làm lợi ích cho nhân loại đó là bậc thầy ta, ta hãy nên bắt chước học và làm theo những cái hay của họ. Người khác có cái dở hơn ta cũng là bậc thầy của ta, cho nên ta cũng phải học để không mắc phải sai lầm. Thầy hay, chúng ta bắt chước học và làm theo, thầy dở, chúng ta học để tránh không gây ra những lỗi lầm đáng tiếc.
Cũng vậy, khi phát tâm tu hành, người trợ giúp phương tiện để ta tiến tu là bậc thiện hữu tri thức, còn người làm chướng ngại gây phiền hà cho ta cũng chỉ để thử thách coi mình tu có tiến hay không mà thôi. Người giúp phương tiện chỉ dạy là sách tấn mình tu từ từ, người làm trở ngại để thử thách sẽ giúp mình thăng tiến nhanh hơn, cả hai đều là Bồ Tát thuận hạnh và nghịch hạnh để giúp mình tiến tu, nên trong hai người ta đều phải mang ơn hết.
Chỉ có người hèn yếu, không dám can đảm nhìn rõ mọi vấn đề cho tường tận, tu gặp nghịch cảnh, chướng duyên, lẽ ra phải tìm cách thắng nó cho bằng được, thì lại không hài lòng, vừa ý. Mình tu là phải quyết tâm mạnh mẽ để không cho sân-si nổi lên mới thực là tu.
Hiểu như vậy, ta mới thấy mình tu có tiến được hay không là do cách nhìn của mình có thực đúng như lời Phật dạy, nếu nhìn không đúng thì việc tu hành cũng bị lệch lạc theo thời gian. Người phát tâm tu ai cũng muốn chuyển hóa tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ từ bi. Vậy mà đa số người tu khi gặp chướng duyên cứ trách móc thiên hạ, đổ thừa hoàn cảnh, “tôi muốn tu mà ma quỷ cứ phá tôi hoài”, chứ không biết chính mình không thật tu, hoặc tu còn quá yếu, nên phiền não, tham- sân-si còn hoài. Nếu nói theo đạo lý chân thật thì thế gian này không ai có thể phá mình cả, chỉ có ta tự làm cho ta lui sụt mà thôi.
Trong cuộc đời này không có cái gì ở bên ngoài hại ta cả, chỉ có mình không làm chủ được bản thân. Nếu biết rõ ràng mọi thứ tai họa từ tham-sân-si nơi mình chứ không phải do ai khác, thì ta sẽ biết cách chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, hạnh phúc.
Khi Phật còn tại thế, một ngoại đạo đã chứng được ngũ thông, giảng pháp rất hay, đến nỗi trời Đế Thích phải xuống nghe. Pháp thoại vừa xong, trời đế Thích mới khóc, vị ngoại đạo ấy hỏi nguyên do. Đế Thích nói, “thầy đã sắp hết tuổi thọ, nên tôi rất lấy làm tiếc nuối mà khóc thương cho thầy thôi”.
Vị đó nghe vậy mới hỏi tiếp, “có ai ở trần gian này có thể giúp tôi thoát ly sinh tử không?” Đế Thích nói, “thầy hãy đến tịnh xá Kỳ Viên gặp Phật Đà, Người sẽ làm được điều đó”. Mừng quá, ông cám ơn trời Đế Thích, rồi vận thần thông bay đi.
Trên đường gần tới tịnh xá, ông thấy hai cây hoa đẹp quá, liền nhổ chúng đến cúng dường Phật. Khi thấy ông đến, hai tay cầm bó hoa, Phật liền bảo, “buông!”. Ông ta buông tay trái, bó hoa rớt xuống đất. Phật lại bảo, “buông!”. Ông ta buông tay phải, bó hoa kia cũng rớt xuống đất. Phật lại bảo buông tiếp. Ông ta ngơ ngác đứng nhìn và thưa rằng, “bạch Thế Tôn, con đã buông cả hai tay rồi, còn gì nữa đâu mà buông?” Nhân khi đó, Phật dạy, “Như Lai bảo ông buông lần thứ nhất là dạy ông buông bỏ sáu căn, lần thứ hai Như Lai dạy ông buông bỏ sáu trần, lần thứ ba Như Lai dạy ông buông bỏ sáu thức”. Ngay câu nói đó, vị ngoại đạo liền được thoát ly sinh tử, không còn sống chết nữa.
Chỉ đơn giản vậy thôi, Phật chỉ bảo ba lần buông làm cho ông ngơ ngác, vì trên tay chỉ có hai bó hoa. Ông đang thao thức tìm cách giải thoát sống chết, nên bao nhiêu tâm trí đều dồn vào đó, Phật chỉ khơi nhẹ làm ông tỉnh thức, buông xả ý thức chấp ngã mà thành tựu Niết Bàn.
Ngoại đạo đó đã tu chứng ngũ thông, tức gần kề bên bờ giải thoát, nhưng do còn ý thức chấp ngã, thấy mình có tu, có chứng, nên còn dính mắc, không thể thoát khỏi sống chết. Nhờ Phật khai thị, ông ta buông xả kiến chấp, liền thoát ly sống chết.
Người chứng ngũ thông có những diệu dụng như sau:
_ Tha tâm thông: là thấy biết được tâm tư của người khác đang suy nghĩ và mong muốn gì.
_ Thiên nhãn thông: là thấy được tất cả chúng sinh luân hồi sống chết, thăng lên lộn xuống trong ba cõi sáu đường, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, nghiệp quả do chính mình tạo lấy, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước, giáng họa.
_ Túc mạng thông: nghĩa là nhớ lại được vô số kiếp về trước mình đang làm gì, ở đâu?
_ Thần túc thông: là biến hóa khôn lường, có thể chui vào lòng đất, bay lên hư không, mà không bị sự ngăn ngại nào.
_ Thiên nhĩ thông: nghe được âm thanh lớn nhỏ, gần xa.
Mắt ta thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt, cái gì thích thì bám víu, chạy theo, cố tâm tìm cách chiếm đoạt, cái gì không ưa thì ghét bỏ. Đối với người Phật tử, mắt cũng cần thấy mọi hình ảnh, sự vật, tai cũng cần nghe mọi âm thanh lớn nhỏ, êm dịu, hoặc hằn học, nặng nề, tuy vẫn thấy nghe, hay biết, nhưng không bị nó làm nhiễm ô, say đắm, mê muội.
Đạo Phật khuyên chúng ta không nên dính mắc, đắm say quá đáng vào thấy nghe, hay biết, để được bình yên, hạnh phúc. Trong thực tế, bản chất của sáu trần vốn không có lỗi. Cái lỗi lớn nhất là do tâm phân biệt, thương ghét, vọng tưởng điên đảo của con người. Con người vì đắm nhiễm, dính mắc sáu trần mà gây ra nỗi khổ, niềm đau, nên mãi trôi lăn trong luân hồi sanh tử.
Mắt vẫn thấy sắc mà thường biết rõ ràng, sự việc như thế nào thì thấy biết như thế ấy; tai vẫn nghe tất cả mọi âm thanh, nhưng không khởi tâm phân biệt, vừa ý hay không vừa ý, mà nghe chỉ là nghe; mũi vẫn ngửi mùi thơm hôi đều không khen chê hay đắm nhiễm; đó là ta biết cách làm chủ bản thân qua sáu giác quan để sống đời bình yên, hạnh phúc.
Kế đến, chúng tôi dẫn kinh Lăng Nghiêm để làm niềm tin cho tất cả quý vị hiểu rõ ràng, thấu đáo, mà áp dụng hành trì, chuyển hoá. Tôn giả A-Nan hỏi Phật, “ bạch Thế Tôn, cái gì là căn bản của luân hồi sanh tử, cái gì là căn bản của Bồ Đề Niết Bàn?”
Khi Ngài hỏi câu này, đức Phật Thích-ca chưa trả lời, thì mười phương chư Phật khác miệng đồng lời nói rằng, “Này A-nan, cội gốc của căn bản phiền não, luân hồi sanh tử chính là sáu căn của ông. Cội gốc của Bồ Đề Niết Bàn cũng chính là sáu căn của ông”.
Rõ ràng, không riêng gì đức Phật Thích Ca nói sáu căn là gốc của luân hồi sanh tử, sáu căn là gốc của Bồ Đề Niết Bàn, mà mười phương chư Phật khác đều miệng đồng lời phát ra những lời lẽ chân thật như thế.
Do đó, chúng ta tu phải làm sao để chính mình dứt hết gốc luân hồi sanh tử, mà đạt được tự tại, giải thoát. Muốn vậy, ta phải làm sao? – phải không cho ý nghĩ dong duỗi, chạy Đông, chạy Tây, đó là gốc của sự tu; còn nếu ta vẫn bị phiền não kéo lôi, vẫn đi trong luân hồi sanh tử, thì sự tu đó không có công hiệu. Như vậy là uổng cơm của đàn na thí chủ. Muốn cho có công hiệu, không uổng cơm của đàn na tín thí, thì ta phải biết rõ sáu căn là cội gốc của sanh tử, đừng để cho nó dính, đừng để cho nó nhiễm. Có thế, chúng ta mới đúng là người tu cầu giải thoát sanh tử.
Sáu căn từ đâu mà ra? - Nó sẵn có nơi chúng ta, mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý ở ngay thân mình chớ có xa đâu, chỉ cần đừng để dính nhiễm là ta đã khéo tu rồi. Nếu chúng ta ăn chay khắc khổ, tụng kinh rất nhiều, mà hễ ai động tới liền nổi sân, thấy cái gì đẹp thì ưa thích, tu như vậy biết chừng nào mới thành tựu đạo pháp.
Mắt thấy sắc đẹp liền mê thích, đắm say; tai nghe tiếng không vừa ý liền sinh bực bội; như vậy là chưa gỡ được các căn dính với các trần, chưa gỡ được thì làm sao chúng ta giải thoát sanh tử; nên trên đường tu, chúng ta phải cố gắng, nỗ lực, phải làm sao gặp cảnh buồn vui, tốt xấu, mình vẫn an nhiên, tự tại. Đó mới là giải thoát thật sự. Nếu chỉ có hình thức, không giữ được sáu căn của mình, thì khó giải thoát.
Kính mong rằng, tất cả chúng ta ai cũng ý thức việc tu hành của mình, bằng cách làm chủ bản thân ngay nơi thân-miệng-ý.
Sign up here with your email
ConversionConversion EmoticonEmoticon