Mẹ hiền Quan Thế Âm là cách gọi thân thương đầy lòng biết ơn của người con Phật dành cho Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài là vị Bồ Tát có tấm lòng yêu thương chúng sanh vô bờ bến, ngài luôn hiện diện để xoa dịu những nỗi thống khổ của những người gặp khó khăn, bất hạnh hay những người lầm đường lạc lối. Ngài được ví như người Mẹ luôn sẵn sàng dang rộng đôi tay, làm chỗ dựa vững chắc cho đàn con thơ trước bão giông cuộc đời.
Bồ Tát Quán Thế Âm đã trải qua rất nhiều kiếp tu hành theo các đại nguyện cứu khổ, độ sanh, ngài xứng đáng là bậc đại trí và đại bi của nhân loại. Do đó, chúng ta là những người con tiếp nối theo con đường tu tập hoàn thiện tâm tính, còn chần chừ gì mà không học theo những hạnh nguyện của Ngài để có cuộc sống hạnh phúc và an vui hơn.
Nhân kỷ niệm ngày Xuất gia của Mẹ Hiền Quán Thế Âm, hay còn gọi là Vía Quan Âm, chúng ta – những người con luôn chí thành kính ngưỡng Ngài xin một lòng chấp tay thệ nguyện 3 điều :
Con xin nguyện yêu thương bản thân mình.
Thương yêu bản thân ở đây không có nghĩa là yêu thương bản ngã mà là thương hết toàn thân tâm của mình. Luôn chấp nhận con người thật kể cả ưu điểm lẫn khuyết điểm mà không trốn tránh, hay kiêu ngạo. Có nhiều người rất thích được nghe lời khen, và tuyệt nhiên rất khó chịu khi bị chê bai. Đó không phải là yêu bản thân mà là yêu bản ngã. Chúng ta nên phân biệt rõ điều này vì khi ta biết yêu thương bản thân thật sự ta sẽ nhận diện được hết con người ta một cách rõ ràng để bổ sung, hoàn thiện mình. Và từ việc bổ sung hoàn thiện này, ta mời biết cách để hiểu và thương những người thân thiết xung quanh ta như Cha Mẹ, anh em, họ hàng và hơn thế nữa là tất cả mọi người, mọi loài kể cả những người từng xích mích với mình.
Thương yêu bản thân cũng là cách để chúng ta bày tỏ tình yêu đối với tất cả mọi người, ví dụ như ta chăm chỉ học tập phát triển tri thức, không tụ tập, la cà, không bài bạc, rượu chè, không kết bè phái với người xấu. Như vậy, ta đã làm cho Cha Mẹ, người thân an tâm và vui lòng, không phải mệt mỏi, lao tâm khổ trí để lo lắng cho ta. Điều này chứng minh việc ta yêu thương bản thân mình đồng nghĩa với việc ta đã yêu thương và giúp đỡ mọi người.
Thương yêu bản thân không phải là lý thuyết suông mà là cách ta vun vén, sữa chữa những điểm yếu và tăng trưởng những điểm mạnh trong đạo đức và tri thức để giúp đỡ mọi người. Đối với mọi người, mọi loài ta luôn quan tâm ,chăm sóc, cảm thông và chia sẻ. Làm được như vậy, chúng ta đã noi gương được đại nguyện lớn của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm.
Con xin nguyện nhẫn nhục trước mọi thuận cảnh và nghịch duyên.
Nhờ vào tâm nhẫn nhục mà Đức Quán Thế Âm bồ tát đã vược qua và chuyển hóa biết bao sóng gió, nghịch duyên. Thực tập hạnh nhẫn nhục giúp chúng ta giữ được tâm điềm tĩnh trước mọi tình huống trong cuộc đời, dù là thuận cảnh hay nghịch duyên, dù may mắn hay rủi ro chứ không phải chỉ nhẫn khi ta trong hoàn cảnh oan trái như mọi người thường hiểu về hạnh nhẫn nhục. Lý do vì sao phải học hạnh nhẫn trước thuận duyên ? Vì khi niềm vui đến, ta thường được nghe nhiều lời khen tặng, tâng bốc, điều này làm tăng trưởng tính kiêu ngạo, ngã mạn, vì vậy ta phải nghiêm túc quán chiếu, không để thuận duyên gây hại đến con đường tu tập của mình.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên phân biệt rõ ràng giữa tâm nhẫn nhục và các hiện tượng tâm lý khác như khi người có lòng nham hiểm, họ thường nhẫn nhục để bày mưu, tính kế hãm hại người khác hoặc một người có tính nhu nhược, họ cũng hay nhẫn nhịn để rồi sau đó khi có cơ hội lại ra tay trả thù. Một dạng khác là người có tính tham lam hay nịnh nọt, họ nhẫn nhục trước người giàu có, uy quyền để đạt được tham vọng của mình.
Thực tập hạnh nhẫn nhục của Bồ Tát giúp ta luôn giữ được bình tĩnh trước mọi việc xảy đến trong cuộc sống. Khi thực tập hạnh này ta không thấy oán giận, hận thù hay phải cố gắng gượng ép mà ta thấy nhẹ nhàng, an nhiên, tràn ngập tình yêu và tha thứ. Xét kỹ, khi ta biết yêu thương chân thật, tự động hạnh nhẫn nhục cũng phát triển theo, vì tình yêu thương chân thật thì không có tị nạnh, oán ghét hay hận thù.
Con xin nguyện lắng nghe sâu sắc nỗi thống khổ của mọi người xung quanh.
“Đạo Phật là đạo của những người biết lắng nghe”. Thật vậy, việc thực tập lắng nghe những suy tư tình cảm cũng như những nỗi thống khổ, trăn trở từ mọi người xung quanh giúp ta nuôi dường tâm từ bi. Việc lắng nghe này không những giúp ta hiểu những điều họ nói mà còn có thể hiểu những điều thầm kín mà họ không nói ra. Nhờ vậy, mà ta có thể giúp đỡ, xoa dịu những khúc mắc mà họ đang đeo mang hay ít nhất ta có thể giúp họ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn khi được giải bày những chất chứa trong tâm hồn.
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát nhận thức rõ tầm quan trọng của hạnh lắng nghe nên luôn khuyên chúng ta thực tập theo. Vì chỉ có sự lắng nghe sâu sắc mới dẫn đến tình yêu thương sâu sắc. Ngược lại, khi con người chúng ta không còn muốn lắng nghe lẫn nhau nữa, thì khi đó những hờn oán, nghi kỵ, hận thù, ghét bỏ, có cơ hội trổi dậy, chiếm lấy chúng ta tạo nên một “ngục tù” của bản ngã.
Kết Luận: Để thực hiện được 3 thệ nguyện trên cần rất nhiều sự cố gắng và kiên trì quán chiếu trong tu tập. Nhưng với hạt giống yêu thương, từ bi, bác ái sẵn có, cùng sự chuyên tâm và một lòng noi gương theo Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tôi tin chắc chúng ta – những người con phật sẽ ngày một tiến bộ hơn, mang đến niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống của bản thân cũng như của mọi người, mọi loài xung quanh. Kính chúc mọi người hưởng trọn một ngày an lạc, tinh tấn trong con đường hoàn thiện bản thân. A Di Đà Phật.
Sign up here with your email
ConversionConversion EmoticonEmoticon