5 Học thuyết rất tuyệt vời trong đạo Phật


Phật giáo, xét một cách nghiêm túc, không phải là một hệ thống triết học. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, các nhà triết học vẫn có thể tìm thấy những quan điểm, học thuyết thể hiện tính triết học ở Phật giáo. Dưới đây là một số các quan điểm, học thuyết tuyệt vời trong hệ thống giáo lý của đạo Phật.

1. Học thuyết vô thường

Vô thường là đặc tính phổ quát của tất cả các sự vật, hiện tượng thuộc các pháp hữu vi. Nói một cách giản dị và thông dụng vạn vật hay các pháp luôn luôn trong trạng thái biến đổi không ngừng. Đây được xem là quan điểm không có gì tranh cãi nữa[1].

Theo đức Phật, không có một pháp nào thường hằng, bất biến mà luôn luôn chịu sự chi phối của quá trình thành, trụ, hoại, diệt. Cái bàn, trong cái nhìn của mọi người có một quá trình hình thành, tồn tại, chuyển biến và hư hao, hoại diệt. Cái bàn của năm trước khác với cái bàn của năm nay; cái bàn của ngày hôm trước cũng khác với cái bàn của ngày hôm nay, mặc dù khó nhận biết hơn. Không có một sự vật, hiện tượng hay một pháp nào bất biến trước thời gian. Nói cách khác, qua thời gian, mọi sự vật, hiện tượng hay pháp đều thay đổi. Một áng mây bay trên bầu trời, trong thời điểm này khác với chính nó ở thời điểm trước. Một con chim, một cánh hoa hay một con người cũng vậy, chuyển biến trong từng khoảnh khắc thời gian.

Cùng quan điểm này, một triết gia Hy Lạp cổ đại từng phát biểu: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Đó là bản chất tồn tại của sự vật, hiện tượng hay các pháp trên thế gian này.


Trong truyền thống Phật giáo, vô thường được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy theo tính chất, mục đích phân loại. Có khi vô thường được chia thành thân vô thường, tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường. Có khi vô thường được chia thành niệm niệm vô thường, tương tục vô thường. Cũng có khi vô thường được chia thành nhất kỳ vô thường, sát-na vô thường. Còn nhiều cách chia khác, với nội dung tương tự nhau. Trong kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, khi nói về vô thường, đức Phật thường nhấn mạnh ở cả hai phương diện thân và tâm. Nói cách khác, theo đức Phật ngũ uẩn là vô thường. Sắc vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường. Vì vô thường nên chúng có khả năng đưa tới khổ đau. Đó là một trong những điểm giáo lý quan trọng của đạo Phật.

Ở đây, có một điểm cần chú ý, vô thường trong Phật giáo không chỉ là lý thuyết mà quan trọng hơn là một pháp hành, pháp quán chiếu. Do đó, trong cái nhìn của người Phật tử tu học, không nên tìm hiểu vô thường để thỏa mãn tri thức, dù cách thỏa mãn này cũng mang tới nhiều lợi ích. Vô thường phải được quán chiếu một cách sâu sắc để chúng ta không còn bị lệ thuộc, chấp mắc quá nhiều về các đối tượng thuộc tâm thức hay ngoại cảnh bên ngoài. Nếu không được quán chiếu sâu sắc thì vô thường chỉ là tri thức thuần túy, là ý niệm của chúng ta về nó, do đó không có khả năng đưa ta tới một đời sống an lạc, hạnh phúc thực sự. Và đó không phải là mục tiêu của đạo Phật hướng tới.

2. Học thuyết vô ngã


Vô ngã là một phương diện khác của vô thường. Vô ngã có nghĩa là không có một cái “ngã” trường tồn, bất biến nằm trong hay phía sau sự vật, hiện tượng. Các pháp luôn luôn tồn tại trong trạng thái phụ thuộc, tương quan với nhau. Không có pháp nào tồn tại một cách độc lập.

Vào thời kỳ đức Phật còn tại thế, Bà-la-môn giáo hầu như là quốc giáo, chủ trương rằng con người có một bản ngã hay cái “ta”. Cái “ta” đó có thể tồn tại tách biệt với thể xác của con người và có thể trải quan nhiều đời sống khác nhau cho đến khi hoàn toàn trong sạch và cuối cùng trở thành đồng nhất với Thượng đế[2].

Trong khi đó, đức Phật dạy rằng, con người thực chất chỉ là sự kết hợp của các yếu tố tâm và vật gọi là Ngũ uẩn, bao gồm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn. Và bản thân các yếu tố ấy cũng tùy thuộc vào nhau để tồn tại. Không có cái “ta” nào ở ngoài sự kết hợp ấy.

Do đó, mọi ý tưởng về ngã đều sai lầm, đưa tới thái độ vọng chấp “ta” và “của ta”, vốn dễ dàng đưa tới thái độ sống tiêu cực, ích kỷ, thù hận, kiêu căng, xấu xa, bất thiện.

Chỉ cần khảo sát thực tế ta sẽ dễ dàng nhận ra điều ấy. Mọi tranh chấp mang tính cá nhân, nhóm, cộng đồng hay thế giới xảy ra từ trước tới này đều xuất phát từ cái nhìn chấp ngã mà ra. 

Vì vậy, muốn thiết lập đời sống hạnh phúc, hòa bình, con người cần phải thực tập cái nhìn “vô ngã”. Mặc dù cái nhìn đó có thể có phần xa lạ với tập quán nhận thức của chúng ta, nhưng theo đạo Phật, để đạt được hạnh phúc trong đời sống hiện tại này, nhất thiết phải thực tập cái nhìn “vô ngã” ấy.


Cũng như vô thường, vô ngã không phải là một tri thức thuần túy mà là một pháp hành quan trọng của Phật giáo. Pháp hành này có thể giúp cho chúng ta có một cái nhìn tuệ quán đầy đủ đối với các pháp, và nhờ đó ta có thể thiết lập được một đời sống an lạc, hạnh phúc ngay trong cuộc đời này, đúng như kết luận của đức Phật trong kinh Vô Ngã Tướng:

Này các Tỳ kheo, bằng trí tuệ thấy rõ ngũ uẩn này không phải của ta, không phải là ta, chẳng phải tự ngã của ta – chư bậc thánh Thanh văn nhàm chán trong sắc uẩn, nhàm chán trong thọ uẩn, nhàm chán trong tưởng uẩn, nhàm chán trong hành uẩn, nhàm chán trong thức uẩn. Khi nhàm chán như vậy tâm không còn tham ái. Do không tham ái nên giải thoát.

3. Học thuyết Nhân quả – nghiệp báo


Nhân quả – nghiệp báo là một học thuyết quan trọng trong đạo Phật. Học thuyết này có những vấn đề khá phức tạp, nếu không tìm hiểu kĩ càng thì ta không thể nào nắm bắt được.

Trước hết có thể hiểu,

Nhân là nguyên nhân,

Quả là kết quả của nhân ấy.

Theo đạo Phật, có năm định luật diễn ra trong thế giới vật lý và tâm lý, trong đó có bốn định luật thuộc về tự nhiên, có sự diễn ra của quá trình nhân quả nhưng không xảy ra nghiệp báo, chẳng hạn như các quy luật vận hành của thiên nhiên tạo nên các hiện tượng mưa, nắng, sự biến đổi của các mùa… Chỉ có duy nhất một định luật về nghiệp mới diễn ra quá trình nhân quả nghiệp báo.

Theo đức Phật nghiệp là những hành động, việc làm có tác ý, chủ ý. Chính tác ý, chủ ý đó đóng vai trò chủ đạo, quyết định hành động và tính chất của nghiệp. Những hành động không có tác ý không tạo nên nghiệp. Nghiệp thể hiện qua hành vi, lời nói và tư tưởng. Mỗi hành động hay nghiệp như vậy đều đưa tới kết quả của nó, tức là quả báo của nghiệp. Hành động ác đưa tới quả báo ác; hành động tốt đưa tới quả báo tốt.


Tuy nhiên, kết quả hay quả báo của nghiệp không mang tính cố định, bất biến, mà chịu sự chi phối, tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố duyên hay khuynh hướng nỗ lực tạo tác của con người. Nói cách khác, con người hoàn toàn có khả năng tác động đến kết quả của nghiệp. Chẳng hạn như một người trước đây từng là kẻ vướng nhiều sai lầm, nhưng do nỗ lực làm các việc thiện và thanh lọc tâm ý, anh ta hoàn toàn có khả năng tránh được hậu quả của nghiệp.

Vua A Dục (Asoka) là một hoàng đế của Ấn Độ, đã từng giết rất nhiều người trong các cuộc chiến mở mang bờ cõi. Nhưng sau đó, ông đã hoàn toàn chuyển hóa trở thành một vị vua Phật tử, hết lòng chăm lo đời sống cho dân chúng, để lại tiếng thơm đến muôn đời cho hậu thế. Đó là do những nỗ lực của ông ta đã làm thay đổi quá trình hình thành nên nghiệp quả.

Một trường hợp khác, Vô Não (Angulimala) là một tên cướp giết người không gớm tay. Sau khi được đức Phật giáo hóa, Vô Não trở thành vị tỳ kheo tu học hết sức tinh tấn và chứng đắc quả vi A-la-hán. Về sau, mặc dù bị một nhóm người đánh đến chết, nhưng Vô Não vẫn không bị kết quả nghiệp đó chi phối tâm thức của Ngài. Ngài chết, nhưng không phải trong tâm trạng thù hận mà chết trong trạng thái tâm giải thoát, không vướng mắc hay bị chi phối bởi kết quả của nghiệp báo.


Như vậy, nhân quả nghiệp báo không phải là một thực thể mà là một quá trình. Quá trình đó chịu tác động sâu sắc của duyên, các điều kiện hỗ trợ, sự tác động theo các khuynh hướng tạo tác của nghiệp mới. Do đó, là Phật tử, khi đã tìm hiểu sâu sắc về lý thuyết nhân quả nghiệp báo, ta không còn có thái độ thụ động chờ đợi kết quả của nghiệp như một tất yếu phải diễn ra nữa mà luôn luôn nỗ lực chuyển hóa nghiệp, thanh lọc thân tâm, khiến cho quả báo của nghiệp không có cơ hội biểu hiện nơi cuộc sống của ta, hoặc vẫn còn có khả năng biểu hiện thì thì sức mạnh của nó cũng không đủ để tác động, chi phối đời sống, chi phối tâm thức, khiến cho ta bất an, khổ đau nữa.

4. Học thuyết Duyên khởi

Duyên khởi là học thuyết cốt tủy của đạo Phật, thuyết minh về sự liên hệ hỗ trợ giữa các sự vật, hiện tượng hay các pháp. Nói cách khác, học thuyết duyên khởi cho rằng, đời sống hay thế giới này tạo thành là do một chuỗi tương quan liên hệ, trong đó sự sanh khởi và hoại diệt của các yếu tố tùy thuộc một số yếu tố khác làm điều kiện cho chúng[3]. Kinh điển Phật giáo diễn tả khái quát nội dung này bằng đoạn kinh sau:

“Do cái này có mặt, cái kia có mặt

Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt

Do cái này sinh, cái kia sinh

Do cái này diệt, cái kia diệt”.

Đó là dạng tổng quát nhất của học thuyết hay giáo lý duyên khởi được đức Phật giảng dạy. Nó cho thấy, mọi hiện hữu trong thế giới này đều vận hành theo nguyên tắc của sự tương thuộc, tương quan lẫn nhau. Sự vật, hiện tượng này sinh khởi do hội đủ điều kiện hỗ trợ cho sự sinh khởi ấy. Và ngược lại, sự vật, hiện tượng chấm dút hay hoại diệt khi các điều kiện, các thành phần, yếu tố cấu tạo nên chúng thay đổi hay không còn nữa. Và ngay cả các điều kiện hỗ trợ này cũng lại tùy thuộc vào các yếu tố, điều kiện khác để sinh khởi, tồn tại và hoại diệt.


Tuy nhiên, không được hiểu duyên khởi là một học thuyết thuyết minh về nguồn gốc thế giới. Theo các nhà Phật học, nội dung chính của duyên khởi chủ yếu thuyết minh về quá trình sinh khởi của con người. Nói đúng hơn, duyên khởi giải thích tại sao chúng ta cứ luân hồi, khổ đau và làm sao chúng ta thoát khỏi luân hồi, khổ đau đó. Điều đó thể hiện rõ qua định nghĩa duyên khởi, sau đây:

Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh sinh, có lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khỗ uẩn sinh. Ðây gọi là Duyên khởi”.

Đó là mười hai chi phần duyên khởi được quán sát ở chiều thuận, tức chiều sinh khởi. Ở chiều nghịch, tức chiều đoạn diệt, các chi phần này được quán sát như sau:

Do vô minh diệt, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt;do danh sắc diệt nên lục nhập diệt; do lục nhập diệt nên xúc diệt; do xúc diệt nên thọ diệt; do thọ diệt nên ái diệt; do ái diệt nên thủ diệt; do thủ diệt nên hữu diệt; do hữu diệt nên sinh diệt; do sinh diệt nên lão tử, sầu bi, khỗ, ưu, não diệt”


Trong mười hai chi phần duyên khởi, vô minh, hành thuộc về đời sống quá khứ; thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu là những yếu tố thuộc kiếp sống hiện tại. Hai yếu tố còn lại thuộc kiếp sống tương lai. Có một điểm cần lưu ý, mặc dù duyên khởi được trình bày theo thứ tự mười hai chi phần, khởi đầu từ vô minh cho tới lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não nhưng tuyệt đối không có nghĩa rằng vô minh là nguyên nhân đầu tiên của duyên khởi. Việc liệt kê thứ tự mười hai chi phần duyên khởi ở đây chỉ là hệ quả của vấn đề biện luận, lý thuyết. Trên thực tế, không có chi phần nào là nguyên nhân đầu tiên, mà chỉ có các yếu tố hình thành nên quá trình duyên khởi.

Như vậy, duyên khởi là cái nhìn trí tuệ của đức Phật, soi rọi vào quá trình sinh tử luân hồi của chúng sanh, chứ không phải là một học thuyết trình bày về nguồn gốc của thế giới. Điều này rất quan trọng đối với quá trình tu học của chúng ta. Nó cho thấy con người do vô minh, khát ái nên chìm đắm vào đời sống khổ đau; nhưng đồng thời nó cũng cho thấy bằng trí tuệ, con người hoàn toàn có khả năng đoạn diệt tham ái, cắt đứt, vượt thoát khổ đau, thiết lập đời sống an lạc, hạnh phúc cho chính bản thân mình và thế giới xung quanh.

5. Học thuyết Tánh Không

Khác với các học thuyết trên, Tánh Không là học thuyết nổi bật của Phật giáo Đại thừa

Khởi sáng học thuyết này là Long Thọ (Nāgārjuna), một luận sư nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ.

Nội dung của học thuyết Tánh Không thuyết minh rằng tất cả sự vật, hiện tượng đều không có thực hữu nội tại và chỉ có cái nhìn đó mới đưa tới cái thấy biết toàn hảo về bản chất của chân lý.

Do đó, mọi khuynh hướng nhận thức lý tính sinh diệt, hữu vô… đều không phản ánh đúng bản chất của chân lý tuyệt đối, mà chỉ là biểu hiện của cái thấy vọng chấp sai lầm. Đoạn kệ dưới đây được xem là nội dung khái quát nhất của học thuyết này:

“Bất sinh bất diệt

Bất đoạn bất thường

Bất nhất bất dị

Bất khứ bất lai”

Có một điểm cần lưu ý ở đây là, thông thường khi phủ nhận một điều này người ta thường hướng tới khẳng định một điều khác. Tuy nhiên, mặc dù phủ nhận các thái độ vọng chấp mang tính nhị nguyên như trên, nhưng giáo lý Tánh Không không hề hướng tới mục đích ủng hộ hay xác nhận một học thuyết chống lại các học thuyết khác, mà loại trừ tất cả các học thuyết, kể cả chính bản thân nó[4]. Bởi vì, theo Ngài Long Thọ, mọi thái độ vọng chấp, dù theo khuynh hướng nào, đều sai lầm, không thể đạt được cái thấy toàn hảo, chân thật về chân lý tuyệt đối.



Chân lý tuyệt đối chỉ có đạt được bằng sự thực chứng chứ không phải bằng luận lý dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi hình thức luận lý, đúng đắn nhất, cũng chỉ là ý niệm về chân lý mà thôi. Nó hoàn toàn khác với bản thân của chân lý tuyệt đối.

Trong kinh điển thường diễn tả ý này bằng hình ảnh chiếc thuyền qua sông hay như ngón tay chỉ trăng. Người qua sông phải cần tới thuyền. khi đạt được mục đích anh ta phải lên bờ, bỏ lại chiếc thuyền. Muốn nhìn trăng phải nương theo ngón tay, nhưng ngón tay không phải mặt trăng. Ngón tay chỉ là phương tiện, là điều kiện để thấy trăng mà thôi.

Cũng như các giáo lý khác, Tánh Không thực chất không phải là một học thuyết. Mục đích của giáo lý này không nhắm thỏa mãn tri thức của bất kỳ một ai hay bất kỳ trường phái nào, mà đúng hơn, là pháp hành, giúp chúng ta vượt thoát mọi vướng mắc trong cuộc đời. Nói như Edward Conze, Tánh Không cơ bản là đối tượng của sự triền miên chiêm nghiệm, còn sự bàn cãi hiện hữu hay không hiện hữu… rất đáng nên coi thường[5]. Đó là điều chúng ta cần thấy khi có cơ hội tìm hiểu về giáo lý Tánh Không này.

Kết luận

Giáo lý đạo Phật là một hệ thống nhiều vấn đề có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mục tiêu duy nhất của hệ thống giáo lý này hướng con người tới đời sống an lạc, giải thoát. Do đó, cách gọi các nội dung trong hệ thống giáo lý đạo Phật là các học thuyết thực chất chỉ là cách gọi tương đối, không phản ánh đúng bản chất của chúng. Bởi vì, giáo lý đạo Phật không hướng tới việc thỏa mãn tri thức của con người mà chú trọng tới phương diện thực hành. Và chỉ có thực hành, nội dung của giáo lý đó mới được hiển lộ rõ ràng nơi mỗi con người. Và đó cũng chính là thông điệp chung cho toàn bộ lời dạy của đức Phật vậy.

[1] Edward Conze (Hạnh Viên dịch) 2007: Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ. – NXB Tp.HCM, tr. 45.

[2] Walpola Rahula (Thích Nữ Trí Hải dịch) 2009: Tư tưởng Phật học. – NXB Văn hóa Sái Gòn, tr.115.

[3] K.Sir Dhammananda (Thích Tâm Quang dịch) 2011: Vì sao tin Phật. – NXB Phuo7cng Đông, tr.126.

[4] Edward Conze (Thích Quảng Độ dịch) 2015: Phật giáo bản chất và sự phát triển. – NXb Phương Đông, tr.134.

[5] Edward Conze (Hạnh Viên dịch) 2007: Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ. – NXB Phương Đông, tr.397.
Previous
Next Post »