Những điều chỉ có đạo Phật mới có thể mang lại cho bạn



Xin viện dẫn một vài nhận định xác đáng của các danh nhân thế giới về Phật giáo:

Tôn Trung Sơn:

“Phật học là mẹ của triết học, nghiên cứu Phật học có thể bổ khuyết cho khoa học”.

Khương Hữu Vi:

“Phật học rộng lớn tinh vi… tuy có triết học của bậc thánh cũng không ứng phó kịp. Giáo lý ấy hàm nghĩa rất sâu xa”.

Chương Thái Viêm:

“Lý luận của Phật giáo khiến cho người thượng trí không thể không tin”.

Lương Khải Siêu:

“Tín ngưỡng Phật giáo là trí tín chứ không phải là mê tín”.

T hật vậy, Phật giáo với hệ thống tư tưởng có giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa đã góp phần quan trọng xây dựng nhân cách con người và duy trì đạo đức xã hội. Hơn 2.500 năm trước, đức Phật đã có hơn một ngàn đệ tử, số lượng đệ tử đó có thể sánh với số lượng công nhân của một xí nghiệp, nhà máy lớn hiện nay. Điều đó chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ của giáo lý nhà Phật và là nơi đến “lý tưởng” cho con người trong mọi thời đại. Sở dĩ có được điều đó là bởi đạo Phật phù hợp với các học thuyết khoa học đã chứa đựng triết lý sâu sắc về cuộc đời và nhận thức con đường giác ngộ chân chính giúp cho con người sống an lạc tự tại thông qua những lợi ích thiết thực và ưu điểm trên nhiều bình diện xã hội sau đây:


Đạo Phật không có sự kỳ thị dân tộc



Đạo Phật ra đời trong bối cảnh lịch sử xã hội có sự phân biệt giai cấp rất gay gắt. Tinh thần từ bi, bác ái và tư tưởng con người là chủ vận mệnh của Phật giáo đã phá vỡ hệ thống lý thuyết bất bình đẳng do giai cấp thống trị tự vẽ ra. Quan điểm tiến bộ này đã đem lại tự do thực sự cho phụ nữ, giúp họ có cơ hội học hỏi và khẳng định mình. Bên cạnh đó, đạo Phật không phân biệt điều kiện sống của bất kỳ ai. Con người dẫu thuộc thành phần nào của xã hội: vĩ nhân hay tội phạm, người nghèo, người vô gia cư hay người khuyết tật; các các cô gái mại dâm cho đến kẻ ăn xin… đều có thể tìm đến ngôi nhà Phật giáo để cải hóa và tìm kiếm sự bình an cho tâm hồn.

Đó chính là giá trị nhân bản “vô biên” mà không phải tôn giáo nào cũng có được.


Phật giáo chứa đựng triết lý sâu sắc, tiến bộ


Thuyết nhân quả trong Phật giáo đã giải phóng con người khỏi sự lệ thuộc vào thượng đế hay một quyền lực ngoại lai nào đó và phát triển những tiềm lực bên trong của con người bằng cách sử dụng nỗ lực và trí thông minh của mình để vượt qua những trở ngại mà chúng ta gặp phải trong đời. Cũng vì vậy mà nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein đã phải nhận định:

“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”.

Nguyên lý duyên khởi của Phật giáo cũng đã nói rõ: “Nếu cái này hiện hữu, thì cái kia hiện hữu; nếu cái này không hiện hữu, thì cái kia không hiện hữu. Nếu cái này sinh khởi, thì cái kia sinh khởi. Nếu cái này không sinh khởi, thì cái kia không sinh khởi”.

Điều đó có nghĩa là con người được sinh ra trên đời đều do nhân duyên, bất cứ việc gì, sự vật gì có liên quan đến đời sống của chúng ta đều có nguyên do của nó. Đó là nguyên lý phổ biến chung cho sự sinh khởi của tất cả mọi vật trên thế gian. Nhận thức được giá trị của tư tưởng này, người Phật tử chân chính sẽ biết sống sao cho tốt đời đẹp đạo để tích phước báo, tiếp tục tái sinh với cuộc sống hạnh phúc.
Dẫn đường đến Niết Bàn cho nhân loại bằng phương tiện vi diệu: “Bát chánh đạo”

Bát chánh đạo là con đường dẫn Phật tử đến an vui niết bàn. Đức Phật dạy rằng Bát chánh đạo là con đường trung dung độc nhất giúp ta giác ngộ và tìm thấy chân giá trị đích thực của cuộc sống. Con đường Trung đạo này không phải là con đường siêu hình hay nghi thức, không phải giáo điều chủ nghĩa hay hoài nghi thuyết, không phải tự phóng túng hay khổ hạnh, không bi quan và cũng không lạc quan, đó là con đường giác ngộ, thoát khỏi sự đau khổ.


Bát chánh đạo gồm 8 phương tiện vi diệu sau:

1 Chánh kiến:

Chánh là ngay thẳng, đúng đắn; Nghĩa là sự nhận thức sáng suốt và hợp lý trên căn bản của trí tuệ, không còn vướng bụi của tà kiến, mê lầm vọng chấp.

2 Chánh tư duy:

Tư duy là suy nghĩ. Chánh tư duy là suy nghĩ chân chánh, là suy nghĩ không trái với lẽ phải, có lợi cho mình và cho người.

3 Chánh ngữ:

Ngữ là lời nói. Chánh ngữ là lời nói chân thật không hư dối, có lợi ích chính đáng, công bình, ngay thẳng và hợp lý. Lời nói không làm tổn hại đến đời sống cùng danh dự của người khác.

4 Chánh nghiệp:

Nghĩa là hành động tạo tác trong đời sống cần phải sáng suốt chân chánh: Hành động theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống chung của mọi người, mọi loài; Hành động có thận trọng không tổn hại đến nghề nghiệp, tài sản, danh giá và địa vị của kẻ khác.

5 Chánh mạng:

Mạng là sự sống, đời sống. Đời sống chân chánh nghĩa là sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, chính đáng, không bóc lột, xâm hại đến lợi ích chung của người khác: Sống bằng khả năng, tài năng chân chánh, không lừa dối gạt người; Sống thanh cao, đúng chánh pháp không mê tín.

6 Chánh tinh tấn:

Tinh tấn là siêng năng, chuyên cần: Hăng say làm những việc chính đáng mang lợi ích cho mình và cho người, quyết tâm lọai bỏ các việc ác đã sanh, ngăn ngừa những việc ác chưa sanh…

7 Chánh niệm:

Niệm là ghi nhớ, nhớ nghĩ, gồm ức niệm và quán niệm. Ức niệm là nhớ nghĩ đến quá khứ, những chuyện đã qua: nhớ đến tứ ân; nhớ đến những lỗi lầm xưa, đừng để tái phạm trong hiện tại và tương lai. Quán niệm là quán sát cảnh hiện tại và bắt đầu của tương lai: thấy nỗi khổ của chúng sanh trong luân hồi sanh lòng thương xót, tìm nhiều phương tiện để giúp đỡ họ…

8 Chánh định:

Là tập trung tư tưởng vào vấn đề chính đáng, đúng chân lý, lợi mình và người.

Thực hiện tu tập theo 8 con đường chân chính đó, giúp người Phật tử có kiến thức chân chánh, không bị mê hoặc và lôi cuốn bởi ngọai đạo tà giáo; giúp trí tuệ phát triển và Phật quả viên thành. Bát Chánh đạo là phương pháp tu phổ biến và cũng là “con đường mở” cho Phật tử tại gia lẫn xuất gia, trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường cũng có thể tu tập được để tìm thấy giá trị cuộc sống và đạt giác ngộ.

Đạo Phật đem đến sự thanh tịnh cho tâm hồn thông qua ngũ giới

Một Phật tử tối thiểu phải nghiêm túc giữ gìn năm điều giới luật cơ bản dưới đây:

1 Không sát sinh: Không tàn hại sinh linh.

2 Không trộm cắp: Không lấy, không cướp đoạt tài sản của người khác.

3 Không tà dâm: Là quan hệ vợ chồng chính đáng, không ngoại tình hoặc quan hệ với người khác.

4 Không vọng ngữ: Nói lời chân thật, không hư dối, không nói láo.

5 Không uống rượu: Không dùng những chất phá hủy thân tâm của mình.

Theo quan điểm nhà Phật, nghiêm thủ 5 giới là căn bản của việc làm người, vi phạm 5 giới đối với xã hội cũng không thể có chỗ đứng, đồng thời còn bị pháp luật trừng trị hoặc giam cầm. Phật giáo cho rằng muốn làm “người” thì không thể không giữ ngũ giới, nếu vi phạm thì đời sau không thể được làm người trở lại, mà còn phải đọa vào ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh (ba loại báo ứng của chúng sinh đó đều là thống khổ không chịu được, do đó gọi là đường ác).


Nếu người ta không sát sinh thì xã hội sẽ không có án giết người; không trộm cắp thì sẽ không có cướp đoạt của người; không tà dâm thì không có chuyện ngoại tình, băng hoại luân lý gia đình; không vọng ngữ thì không có việc dối trá lẫn nhau; không uống rượu, thì thân tâm an ổn, đầu óc sáng suốt, không phải vì một lúc say sưa mà hại cả mình lẫn người. Một xã hội như thế sẽ là một xã hội an lạc, hạnh phúc, văn minh và đoàn kết.

Bên cạnh ngũ giới, Phật giáo còn cho rằng công danh lợi lộc chỉ là mây khói bay qua mắt, vì sinh ra không đem gì theo, chết rồi cũng không thể mang gì đi. Từ đó khuyên người ta không nên tham luyến quá mức, mong cầu quá mức và phải biết bố thí, tu phước tu huệ, tránh xa danh lợi. Chỉ có tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tịnh hóa tâm linh, mới có thể giúp cho cuộc sống được an vui hạnh phúc.


Trong đời sống xã hội hiện đại, trí tuệ của giáo lí Phật giáo đã nói rõ cho chúng ta biết về ý nghĩa của công việc, nghệ thuật làm việc, phương pháp ứng xử trong giao tiếp cũng như một số nguyên tắc hợp tác đoàn thể, đề xuất quan điểm tìm việc theo tinh thần “tùy thuận nhân duyên” để giảm bớt áp lực trong quá trình tìm kiếm việc làm, lấy “cạnh tranh lành mạnh” thay thế cho cạnh tranh một mất một còn; lấy “nghệ thuật chỉnh dây đàn” theo tinh thần trung đạo không rơi vào cực đoan để giữ thăng bằng tâm lí trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là muốn giải quyết triệt để các vấn đề, chúng ta hãy nhìn lại chính bản thân mình, trở lại với bản thân mình. Khi có phương pháp và thời gian để quán xét lại bản thân thì cũng chính là lúc Phật tử chúng ta chạm đến sự thanh tịnh của tâm hồn.


Phật giáo bồi đắp nhân cách tự tôn và độc lập tự chủ cho con người


Tư tưởng Phật giáo khẳng định mỗi cá nhân đều là chủ nhân của chính mình, không phải là nô bộc của người khác, không cần phải cầu xin thần hoặc Phật, chỉ cần nỗ lực thực hành theo đạo lý Ngài đã dạy thì có thể thành Phật như lời Ngài đã nói:

“Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”.

Điều này có sức mạnh cổ vũ lòng tự tin và tự tôn của chúng ta. Phật giáo cho rằng mỗi người đều có đầy đủ bản tính thành Phật, “trên trời dưới trời chỉ có ta là cao quý”, không ai có thể điều khiển loài người, có thể nô dịch loài người, sự thành bại hạnh phúc của con người hoàn toàn ở bản thân họ. Đó là nỗ lực của chính bản thân nhân loại, không phải do ân điển của thần, cũng không phải sự cứu bạt của Phật (mà là chúng sinh tự cứu lấy mình).

Đồng thời tư tưởng của Phật giáo, nhắc nhở loài người đối với hành vi của mình phải tự mình gánh lấy trách nhiệm, không thể quy tội cho ông trời hoặc oán trách người khác. Quan điểm nhìn nhận lấy “con người làm gốc” của Đức Phật đã tiếp thêm sức mạnh lòng tự tin và tự tôn để con người có thể nỗ lực phấn đấu, tu tập và tự quyết định vận mạng, tiền đồ của mình trong cuộc đời.

Trên đây là 5 lợi ích thiết thực mà chỉ đạo Phật mới có thể đem lại cho đời sống con người chúng ta. Hãy cùng tìm hiểu về Phật giáo để cảm thấu chân giá trị cuộc sống luôn bên cạnh chúng ta các bạn nhé! Mọi ý kiến đóng góp mọi người để lại phía dưới bình luận. Xin cám ơn!












Previous
Next Post »